Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra lời kêu gọi tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021.
Tuy nhiên hôm nay (10/4) đánh dấu 100 ngày dấu mốc quan trọng, vẫn còn 26 quốc gia chưa thực hiện được. Với số ca mắc mới vẫn không ngừng tăng lên, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, quỹ đạo của đại dịch đang đi sai hướng.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua cho biết hơn 700 triệu liều vaccine đã được phân phối toàn cầu. Tuy nhiên có đến 87% trong số này thuộc về những nước có thu nhập cao, khá và trung bình, trong khi những nước có thu nhập thấp chỉ nhận được 0,2%. Tại các nước có thu nhập cao, cứ 4 người có một người được tiêm vaccine, trong khi đó con số ở nước có thu nhập thấp là 1/500 người. Sự phân phối vaccine không cân bằng cũng khiến mục tiêu trong chiến dịch tiêm vaccine 100 ngày của Liên Hợp Quốc không thực hiện được.
Đánh giá về kết quả chiến dịch này, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định: “Chúng tôi đã đưa ra lời kêu gọi bắt đầu tiêm chủng ở các quốc gia trong 100 ngày đầu tiên của năm. Ngày 10/4 là ngày thứ 100. Tuy nhiên, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 194 quốc gia bắt đầu tiêm chủng còn 26 nước chưa bắt đầu tiêm chủng. 12 quốc gia đã nhận và chuẩn bị nhận vaccine và có thể triển khai trong những ngày tới, trong khi 14 quốc gia vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng vì nhiều lý do”.
Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 cùng với những tác dụng phụ mới được báo cáo, Tổ chức Y tế Thế giới đang cân nhắc đánh giá mở rộng danh sách nguồn vaccine nên sử dụng khẩn cấp. Theo đó, vaccine Trung Quốc là Sinopharm và CoronaVac (Sinovac) đang trong giai đoạn đánh giá cuối cùng để đưa vào sử dụng khẩn cấp và quyết định sẽ được đưa ra trong khoảng thời gian từ ngày 26/4 đến ngày 3/5. Việc đánh giá và chấp thuận các vaccine là cần thiết để được sử dụng trong Sáng kiến COVAX.
Các nước cũng bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Giới chức y tế của Nga khẳng định vaccine ngừa Covid-19 do nước này sản xuất chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào, trong khi các tác dụng phụ tiêu cực chỉ xuất hiện ở 0,1% số người được tiêm. Đức bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga về việc mua vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V mà không đợi hành động phối hợp của Liên minh châu Âu.
Điều đáng quan ngại là bất chấp chiến dịch tiêm vaccine được mở rộng nhưng chiều hướng dịch bệnh thế giới vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại châu Âu, một loạt nước lớn tiếp tục ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới, trong khi dịch bệnh tái diễn phức tạp hơn tại một số quốc gia có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt thời gian qua như Ấn Độ.
Những số liệu mới nhất khiến các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới phải thừa nhận, quỹ đạo của đại dịch trên khắp thế giới đang đi sai hướng. Với chương trình tiêm chủng được mở rộng nhưng thế giới có 6 tuần liên tiếp có số ca mắc mới tăng lên, trong khi số ca tử vong cũng gia tăng. Bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu nhóm kỹ thuật Covid-19 của Chương trình y tế khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới nhận định: “Vaccine và tiêm chủng là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ, nhưng chúng sẽ không chấm dứt được đại dịch. Để chấm dứt đại dịch cần một cách tiếp cận toàn diện mà mỗi người dân cần ý thức về vai trò của mình và được hỗ trợ để thực hiện vai trò của mình”.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, thế giới đang có đủ mọi biện pháp để chấm dứt đại dịch, trong đó vaccine là công cụ mạnh mẽ nhất. Điều cần làm hiện nay là tất cả các biện pháp này phải được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện và hiệu quả nhất./.
Phạm Hà (Tổng hợp)
Nguồn: vov.vn