Điều mà nhiều chuyên gia, giới quan sát quốc tế lo ngại đã xảy ra khi ông Đoàn Khiết Long, Đại sứ Trung Quốc tại Hungary, trúng cử thẩm phán của Tòa quốc tế về luật Biển.

42 1 Khi Dai Dien Trung Quoc Trung Cu Tham Phan Toa Luat Bien Quoc Te

Trung Quốc tiếp tục có đại diện trong số thẩm phán của ITLOS. Ảnh: ITLOS

Ngày 25.8, Tân Hoa Xã đưa tin ông Đoàn Khiết Long vừa trúng cử trở thành thẩm phán của Tòa quốc tế về Luật Biển (ITLOS).

Trước đó, trong email trả lời Thanh Niên, đại diện ITLOS cho biết tòa này có gồm 21 thẩm phán, được bầu chọn từ những ứng viên do các nước tham gia Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đề cử. Mỗi quốc gia thành viên UNCLOS 1982 đề cử không quá 2 ứng viên. Theo điều lệ của tòa thì không có 2 thẩm phán trở lên mang cùng quốc tịch của một quốc gia. Cuộc bầu chọn lần này, có 10 ứng viên tham gia, được tiến hành để bổ sung 7 thẩm phán sắp hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 9 tới đây.

42 2 Khi Dai Dien Trung Quoc Trung Cu Tham Phan Toa Luat Bien Quoc Te

Ông Đoàn Khiết Long. Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN TRUNG QUỐC TẠI HUNGARY

Đến nay, theo Tân Hoa xã, ông Đoàn là 1 trong số 6 người đã trúng cử, và 5 người còn lại là David J. Attard (Cộng hòa Malta), Ida Caracciolo (Ý), Maria Teresa Infante Caffi (Chile), Maurice Kengne Kamga (Cameroon) và Markiyan Kulyk (Ukraine). Một ghế còn khuyết dự kiến được bầu chọn trong hôm nay (25.8).

Như vậy, liên tục từ năm 1996 đến nay, Trung Quốc luôn có đại diện trong số thẩm phán của ITLOS gồm Triệu Liên Hải (1996 - 2000), Từ Quang Kiếm (2001 - 2007) và Cao Chi Quốc (2008 - 2020).

Trước khi cuộc bầu chọn diễn ra, một số chuyên gia từng cho rằng cần xem xét việc Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) năm 2016 về việc bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Bởi thật đáng thất vọng khi một quốc gia không tuân thủ phán quyết dựa trên UNCLOS 1982 lại có đại diện.

Trả lời Thanh Niên, GS Andrew Serdy (chuyên ngành công pháp quốc tế, Đại học Southampton, Anh) chỉ ra: “Rõ ràng Trung Quốc không có ý định tuân thủ phán quyết do Tòa trọng tài thường trực ở The Hague (PCA) đưa ra vào năm 2016. Tuy nhiên, dù không có cách nào để ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ, nhưng cách hành xử của nước này có thể khiến Bắc Kinh chịu tổn thất về mặt chính trị. Một tổn thất chính trị có thể được thể hiện nếu số phiếu dành cho ứng viên Trung Quốc sẽ thấp đi”. Nhưng đáng tiếc là những người tham gia bầu chọn đã không thể hiện điều đó.

Liên quan cuộc bầu chọn này, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell hồi tháng 7 đã thúc giục các nước không bỏ phiếu cho ứng viên họ Đoàn.

Ngoài ra, trước cuộc bầu chọn, GS Alexander Proelss, Chủ tịch về luật Biển quốc tế và luật Môi trường quốc tế thuộc Trường Luật của Đại học Hamburg (Đức), cho rằng: “ITLOS phải và sẽ thực thi quyền lực của mình một cách vô tư. Đây là điều kiện mà mỗi thẩm phán phải tuân thủ. Để đảm bảo tính chí công vô tư, luật của ITLOS quy định những hoạt động mà thẩm phán không được phép làm (điều 7) và lập ra những điều kiện liên quan đến sự tham gia của mỗi thành viên vào một vụ cụ thể (điều 8). Trong khi mỗi thẩm phán dĩ nhiên sẽ tìm cách thuyết phục các thành viên khác trong hội đồng về lập trường luật pháp của mình, không thể có chuyện một vị thẩm phán lại có thể, trong một hội đồng hòa giải tranh chấp gồm 21 thành viên, áp đặt quan điểm của riêng mình lên các thành viên khác”.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Mỗi thẩm phán được tự do đưa vào ý kiến riêng hoặc bất đồng với các thẩm phán và quyết định, và qua đó có thể cố gắng gây ảnh hưởng lên việc phát triển luật quốc tế trong trường hợp có liên quan”. Đây chính là một thực tế đáng ngại khi đại diện Trung Quốc trở thành thẩm phán của ITLOS.

Ngô Minh TríNguồn: thanhnien.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC