Các nhân viên y tế cho hay lệnh hạn chế di chuyển được áp đặt vào tháng 3 đã khiến bệnh nhân và nhân viên y tế không thể đến phòng khám trong nhiều tháng. Việc này hiện gây ra tình trạng thiếu bao cao su và khó tiếp cận các biện pháp tránh thai ở một số khu vực.
Thiếu bao cao su và thuốc tránh thai có thể dẫn đến tỉ lệ sinh của Philippines gia tăng vào năm tới - Ảnh: AFP
Nandy Senoc, giám đốc điều hành của Tổ chức Kế hoạch hóa gia đình Philippines (FPOP), cho biết trong khi nhân viên của ông tiếp tục làm việc trong thời gian phong tỏa, mọi hoạt động đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Các cơ sở chính phủ tuy vẫn mở nhưng thực tế các dịch vụ công không thể tiếp cận được.
Philippines ghi nhận hơn 35.400 ca nhiễm virus corona và thủ đô Manila là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tổng cộng có 1.244 người chết vì virus corona trên cả nước.
Mặc dù các biện pháp phòng dịch đã được nới lỏng, giao thông công cộng vẫn bị gián đoạn và một số cơ sở kế hoạch hóa gia đình chỉ hoạt động với nhân viên tối thiểu vì phải duy trì giãn cách.
Ngoài ra, ở các tỉnh đảo và khu vực nông thôn xa xôi còn xảy ra tình trạng thiếu bao cao su và thuốc tránh thai.
FPOP đang khuyến khích phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài và các phòng khám của họ đang cung cấp nhiều thuốc hơn, phòng trường hợp hạn chế di chuyển.
Nhưng vấn đề hiện tại là FPOP đang thiếu nguồn cung cấp. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản không được coi là ưu tiên hàng đầu trong phản ứng của chính phủ với dịch bệnh, giám đốc FPOP nói với báo Guardian.
Ước tính số lượng phụ nữ không tiếp cận được các biện pháp tránh thai tăng 1/5 trong thời gian phong tỏa, lên khoảng 3.688.000 người.
Dự báo từ Viện Dân số Đại học Philippines và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho thấy sẽ có thêm khoảng 214.000 trẻ em được sinh ra vào năm tới do mang thai ngoài ý muốn, gây ra bởi đại dịch.
Điều này có thể có tới gần 1,9 triệu ca sinh vào năm 2021, nhiều hơn bất kỳ năm nào kể từ năm 2000.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online