“WHO đã chỉ trích và không đồng tình với lệnh cấm đi lại tới Trung Quốc trước đây của chúng tôi. Nhưng điều này sẽ là một thảm họa. WHO đã sai lầm ở nhiều thứ. Họ đã có rất nhiều thông tin về dịch từ sớm, nhưng họ lại không công bố. Họ thậm chí không muốn nói ra nơi bắt nguồn của COVID-19”, ông Trump phát biểu trước báo giới hôm 7.4.
Theo New York Times, ông Trump dường như đặc biệt tức giận với WHO vì đã đưa ra một tuyên bố không ủng hộ quyết định của ông vào ngày 31.1 trong việc hạn chế di chuyển từ Trung Quốc để chống lại sự lây lan của coronavirus. Vào thời điểm đó, WHO cho rằng, việc hạn chế của Mỹ trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là “không hiệu quả”.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng lưu ý rằng, dù sự đóng góp tài chính của Mỹ cho WHO vượt xa Trung Quốc, nhưng cơ quan này dường như chỉ quan tâm đến mối quan hệ của họ với Bắc Kinh, nhấn mạnh “Tổ chức Y tế thế giới rất thiên về phía Trung Quốc, về cơ bản, mọi đánh giá đối với Trung Quốc đều rất tích cực”.
“Chúng tôi sẽ cân nhắc ngưng việc tài trợ ngay bây giờ bởi vì tôi nghĩ mọi bước đi họ thực hiện đều sai lầm và đều có lợi cho Trung Quốc. Họ khuyên hãy mở cửa và đừng đóng cửa các biên giới. Nhưng tôi không lắng nghe họ, tôi làm những gì tôi muốn và đó là một động thái tốt”, ông chủ Nhà Trắng khẳng định và nói thêm rằng chính phủ của ông sẽ điều tra những phản ứng của WHO đối với đại dịch COVID-19.
Được biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được thành lập vào năm 1948, đặt trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) với 7.000 nhân viên tại 150 văn phòng đại diện trên toàn thế giới. Tổ chức này đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế.
Mỹ hiện đã đóng góp tổng cộng khoảng 553 triệu USD cho WHO, và là nước đóng góp nhiều nhất cho tổ chức này.
Tuy nhiên, không rõ liệu ông Trump có kế hoạch loại bỏ tất cả số tiền mà Mỹ tài trợ cho cơ quan y tế của Liên Hơp Quốc hay không khi ông mới chỉ nói là “đang xem xét”.
Đáng chú ý, trên mạng xã hội Twitter cùng ngày, ông Trump một lần nữa lặp lại quan điểm trước đó của mình khi nói:
“WHO thực sự đã làm hỏng mọi thứ. Vì một lý do nào đó, tổ chức này được Mỹ tài trợ rất nhiều, song lại xoay quanh Trung Quốc. May mắn là tôi bác bỏ lời khuyên của họ về việc duy trì mở cửa biên giới với Trung Quốc lúc trước. Tại sao họ lại có thể đưa ra một khuyến cáo sai lầm như vậy?”
Trước đó, một số nhà phê bình cùng nhiều chính trị gia trên thế giới đã liên tục đặt ra nhiều chất vấn liệu những lời tán dương của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus về việc Trung Quốc "câu giờ" cho thế giới có thêm thời gian ứng phó với COVID-19 có tạo ra cảm giác an toàn giả, dẫn tới sự lây lan của coronavirus hay không.
Họ cũng lo ngại việc WHO bám theo các con số và đánh giá của Trung Quốc đưa ra trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, cũng như sự khen ngợi liên tục của họ đối với Bắc Kinh, đang gây tranh cãi về mức độ đáng tin cậy của cơ quan này trên phạm vi quốc tế.
Tuy nhiên, những người ủng hộ tổng giám đốc WHO thì lại cho rằng, với tư cách cựu Bộ trưởng Y tế và sau đó là Ngoại trưởng Ethiopia, tiến sĩ Tedros đương nhiên có thiên hướng ngoại giao, và những lời tán dương Trung Quốc của ông là nhằm đảm bảo quốc gia Đông Á này tiếp tục chia sẻ những thông tin quan trọng.
Một số nhà quan sát lưu ý chính Trung Quốc là nước đã có nhiều “tác động hành lang” để ông Tedros có được vị trí như hiện nay. Theo nhiều báo cáo, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã vận động mạnh mẽ cho ông Tedros trong cuộc bầu cử lãnh đạo WHO năm 2017 qua việc sử dụng những “lời hứa” về hỗ trợ tài chính nhằm kêu gọi các quốc gia đang phát triển bầu cho Tedros.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa muốn điều tra WHO liên quan tới Trung Quốc
Trung Quốc đang là tâm điểm chỉ trích tại Mỹ, đặc biệt từ phe Cộng hòa, liên quan tới cách Bắc Kinh ứng phó với dịch COVID-19 sau khi tình báo nước này đưa ra kết luận chính phủ Trung Quốc che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch và công bố số liệu không hoàn chỉnh về ca nhiễm và trường hợp tử vong.
Bản thân Tổng thống Trump cũng nghi ngờ tính chính xác của số liệu thống kê về số ca tử vong và nhiễm bệnh do Trung Quốc công bố bởi nước này bị coronavirus tấn công trước các quốc gia khác nhiều tuần, nhưng đến nay chỉ báo cáo gần 82.000 ca nhiễm.
Những nhà lập pháp đảng Cộng Hòa tại quốc hội Mỹ cáo buộc WHO đã không điều tra độ chính xác về các báo cáo của Trung Quốc liên quan tới sự lây lan của COVID-19. Nhiều thượng nghị sĩ đã xuất hiện trên đài Fox News nhấn mạnh rằng WHO phải chịu trách nhiệm vì đã không ngăn chặn được virus.
“Nếu họ đã hoàn thành tốt việc của mình, mọi người đã có thể sẵn sàng hơn. Và chúng ta đã không phải đóng cửa nền kinh tế cũng như chứng kiến thiệt hại đau thương về người do COVID-19 trên toàn thế giới”, thành viên của Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện, ông Rick Scott cho hay.
Ông Rick Scott nói rằng Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Ron Johnson đã đồng ý điều tra phản ứng của WHO trước đại dịch. Hôm 7.4, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, thượng nghị sĩ Jim Risch, cũng kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về cách WHO xử lý COVID-19. Một thượng nghị sĩ khác là Martha McSally có phần gay gắt hơn khi kêu gọi tổng giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức.
Trả lời bình luận phê phán WHO của Tổng thống Trump trên mạng xã hội Twitter nói trên, thượng nghị sĩ Ted Cruz bày tỏ sự đồng tình và nói: “Đây là điều rất cần thiết. WHO đã thể hiện họ là công cụ tuyên truyền cho chính quyền Trung Quốc”.
Vũ Hoàng (theo New York Times)
Nguồn: báo điện từ MỘT THẾ GIỚI