Thương chiến Mỹ - Trung gây nhiều ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc. Ảnh: FINANCIAL TIMES
Báo South Morning China Post (SCMP) đưa tin ngày 17-1 cho biết mức tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc năm 2019 đã chạm đáy trong vòng 29 năm qua, theo số liệu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).
Các dữ liệu kinh tế được Cục thống kê đưa ra ngay sau khi Mỹ - Trung ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một ngày 15-1. Đây được xem là cột mốc đánh dấu giai đoạn đình chiến tạm thời giữa hai gã khổng lồ trong nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài hơn hai năm qua đã khiến giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm mạnh trong năm 2019.
Tỉ lệ tăng trưởng tăng theo tháng nhưng giảm theo năm Nhìn chung, các chỉ số phát triển kinh tế của Trung Quốc năm 2019 đều giảm so với năm 2018. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý IV năm 2019 đạt 6%. Con số này được ghi nhận là thấp nhất xét theo quý.
Tỉ lệ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp cũng giảm so với năm 2018, từ 6,2% xuống còn 5,6%. Doanh số bán lẻ, chỉ số quan trọng trong đánh giá chi tiêu của người tiêu dùng, giảm từ 9% (năm 2018) xuống còn 8% (năm 2019). Tuy nhiên, các chỉ số trên có sự cải thiện tính theo tháng.
Nhất là trong giai đoạn cuối năm khi thoả thuận thương mại Mỹ - Trung gần kề. Sản xuất công nghiệp đạt 6,9%, cao hơn so với dự báo của các nhà phân tích là 5,9%.
Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 3 năm 2019. Mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu tháng 12-2019 của nước này tăng 7,6%, tăng đáng kể so với tháng trước đó (1,3%). Tỉ lệ tăng trưởng nhập khẩu cũng tăng từ 0,3% lên 16,3% cùng kỳ.
Ngoài ra, theo Cục Thống kê Trung Quốc, doanh số bán lẻ tháng 11-2019 đạt 8,0%, cao hơn so với dự đoán 7,9% của các nhà kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh có thể cảm thấy nhẹ nhõm vì giữ được tốc độ tăng trưởng trên 6%. Nhưng năm 2020 vẫn sẽ là một năm đầy thách thức với nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới.
Theo thoả thuận thương mại được ký kết ngày 15-1, Trung Quốc cam kết mua lượng hàng hoá trị giá hơn 200 tỉ USD từ Mỹ trong vòng hai năm tới.
Vì vậy ngành nhập khẩu Trung Quốc và các ngành liên quan sẽ được thúc đẩy. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Không có gì chắc chắn về thoả thuận thương mại Theo SCMP, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công của thoả thuận thương mại mới được ký kết.
Đây chỉ là một thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương Alicia Garcia Herrero tại ngân hàng Natixis (Pháp) cho biết Mỹ vẫn sẽ giữ mức thuế áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trừ khi hai nước đạt được thoả thuận giai đoạn hai.
Mỹ - Trung ký thoả thuận thương mại giai đoạn một ngày 15-1. Ảnh: VOA NEWS
Thoả thuận cũng nêu rõ rằng nếu không thể giải quyết các vấn đề giữa hai nước, hai bên có thể đình chỉ nghĩa vụ, áp dụng biện pháp khắc phục hoặc trong trường hợp xấu nhất - có thể rút khỏi thoả thuận. Từ cuối năm 2019, các quy định cắt giảm thuế và chính sách tài khoá đã được thực hiện nhằm ngăn chặn nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái.
Sau sự kiện ký kết thoả thuận thương mại giai đoạn một, ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết chính sách tài khoá sẽ được triển khai thận trọng hơn trong năm 2020.
Chính sách tài khoá sẽ được Bắc Kinh triển khai thận trọng hơn. Ảnh: REUTERS
Các nhà phân tích của công ty tài chính Nhật Bản Nomura cho rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện các chính sách nới lỏng và kích thích nền kinh tế trong vài tháng tới. Nhưng quy mô của chính sách sẽ khiêm tốn hơn so với các đợt trước.
Họ cho rằng Trung Quốc không thể tránh khỏi nguy cơ tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm xuống dưới 6% trong những quý đầu năm 2020.
Trái ngược với quan điểm của các nhà phân tích nước ngoài, tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 17-1, ông Ning Jizhe, người đứng đầu NBS đã tuyên bố thu nhập đầu người của nước này hiện đạt trên 10.000 USD.
Ông nói rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc và điều đó cho thấy kinh tế nước này vẫn đang phát triển không ngừng.
Nguồn: Trà Giang/ plo.vn