Phát biểu với các nghị sĩ EU trong cuộc họp trực tuyến, bà Ammon cho biết Bulgaria vẫn ghi nhận số các ca mắc COVID-19 tăng, trong khi đối với Anh, Ba Lan, Romania và Thụy Điển, ECDC nhận thấy "không có thay đổi đáng kể nào trong 14 ngày qua".
Theo bà Ammon, tất cả các nước khác ở châu Âu đều ghi nhận số ca mắc giảm và kể từ ngày 2/5, dường như làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở châu Âu đã qua đỉnh điểm.
Tại Anh, tính đến ngày 4/5, Anh ghi nhận gần 190.000 người mắc COVID-19, trong đó khoảng 28.500 người tử vong. Ngày 30/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa trở lại làm việc vào tuần trước sau khi mắc COVID-19, cho rằng nước này đã qua đỉnh dịch và "đang trên đà giảm".
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 4/5 thông báo nước này ghi nhận thêm 164 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 25.428 ca. Số ca mắc COVID-19 ở Tây Ban Nha cũng tăng lên đến 218.011 người, so với con số 217.466 ca một ngày trước đó.
Hiện Tây Ban Nha đã bắt đầu bước vào giai đoạn thứ 4 nhằm mở cửa trở lại đất nước vào cuối tháng 6 tới. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết sẽ phân phát 6 triệu khẩu trang cho người dân.
Bỉ cũng đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày 4/5. Các doanh nghiệp có thể mở cửa trở lại dù nhà chức trách vẫn khuyến khích việc làm từ xa. Những người đi làm phải tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội hoặc đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó, nước này cũng yêu cầu những người trên 12 tuổi đeo khẩu trang khi đi giao thông công cộng. Tính đến nay, Bỉ ghi nhận 50.267 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.844 người tử vong. Nhà chức trách nước này đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa khi số ca mắc COVID-19 giảm dần trong những tuần qua.
Bộ trưởng Môi trường Pháp Elisabeth Borne cho rằng Pháp cần giảm thiểu nhu cầu đi lại trong các khung giờ cao điểm bằng cách khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện tối đa cho các nhân viên làm việc ở nhà và chia ca làm việc cho những người trở lại làm việc sau khi biện pháp phong tỏa toàn quốc chấm dứt vào ngày 11/5.
Bà Borne cũng cho biết các công ty vận tải phải có trách nhiệm đảm bảo các quy định giãn cách xã hội được chấp hành trên các tuyến tàu và tại các nhà ga nhưng các lực lượng bảo vệ dân sự và cảnh sát sẽ được huy động để hỗ trợ điều tiết giao thông. Bà này cũng để ngỏ khả năng đóng cửa một số nhà ga để tránh tình trạng quá đông người di chuyển. Chính phủ cũng đang xem xét biện pháp phạt những hành khách không tuân thủ quy định.
Tại Hy Lạp, ngày 4/5, Hy Lạp bắt đầu triển khai các nhóm xét nghiệm lưu động song song với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19.
Hiện có 25 đơn vị được triển khai và con số này sẽ nhanh chóng tăng lên 500 đơn vị. Đối tượng được ưu tiên xét nghiệm là tù nhân và người sống trong các nhà dưỡng lão. Tính đến nay, Hy Lạp thông báo hơn 2.600 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 144 ca tử vong. Hiện nước này đã tiến hành gần 80.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
- Bộ Y tế Iran cùng ngày cũng thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 74 ca ca tử vong do COVID-19. Như vậy, tính đến nay, số ca tử vong do COVID-19 tại Iran là 6.277, trong khi tổng số người mắc bệnh là 98.647.
- Mexico đã ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng gấp 5 lần, nâng tổng số ca mắc bệnh lên tới gần 130.000 ca. Số liệu thống kê dựa trên mô hình giám sát nghiên cứu dịch bệnh được chính phủ nước này sử dụng.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Mexico chính thức ghi nhận 23.471 ca mắc COVID-19 và trên 2.154 ca tử vong. Tuy nhiên, số liệu từ hệ thống giám sát Sentinel của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được sử dụng tại Mexico kể từ năm 2006, ước tính số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 128.033 ca.
Hệ thống này đưa ra ước tính trên dựa trên các dữ liệu thu thập từ một mạng lưới các cơ sở đáng tin cậy, chứ không dựa trên các báo cáo về số ca tử vong và số ca nhập viện vốn không nắm bắt được phần lớn số bệnh nhân được điều trị tại nhà.
Nguồn: BNEWS