Pháp và Đức đã cùng với Ireland, Na Uy, Đan Mạch và Hà Lan dừng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 do Oxford/AstraZeneca phát triển. Mặc dù Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều khuyến cáo tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca, thì chính phủ các nước châu Âu vẫn lựa chọn hành động thận trọng.
Nhân viên y tế đang chuẩn bị ống tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford tại Tây Ban Nha ngày 15/3/2021. Ảnh: SOPA
Quyết định dừng sử dụng vaccine của AstraZeneca được các nước đưa ra sau khi ghi nhận một số trường hợp bị đông máu và hiếm gặp hơn là trường hợp giảm tiểu cầu bất thường, dẫn tới mất máu ở những người đã được chủng ngừa loại vaccine này.
Áo và Italy đã ghi nhận các trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Cả 2 nước cũng đã dừng sử dụng lô vaccine liên quan do lo vaccine không đảm bảo chất lượng.
Na Uy đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do giảm tiểu cầu bất thường sau tiêm vaccine AstraZeneca, cùng 3 trường hợp khác đang phải điều trị trong bệnh viện.
EMA và WHO đánh giá vaccine AstraZeneca an toàn
EMA và WHO đang điều tra các trường hợp rối loạn đông máu ở những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca, nhưng tới nay, có bằng chứng cho thấy vaccine không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Các chuyên gia nói rằng số trường hợp bị đông máu và giảm tiểu cầu bất thường ở những người đã được tiêm vaccine không cao hơn so với số vẫn chưa được tiêm chủng.
Hiệp hội Huyết khối và Cầm máu quốc tế cuối tuần vừa qua nói rằng “một số ít các ca bị đông máu sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 không đủ để chứng minh có mối liên hệ trực tiếp”.
Hiệp hội này cho biết, chứng đông máu rất phổ biến, nhưng lại không phổ biến ở những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19. Hiệp hội này cũng khuyến cáo ngay cả những người có tiền sử về đông máu hoặc từng sử dụng thuốc chống đông máu cũng vẫn nên đi tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Ở Anh, Ủy ban phối hợp về vaccine và tiêm chủng (JCVI) cùng Cơ quan quản lý dược phẩm (MHRA) đều rất tin tưởng vào vaccine của AstraZeneca.
“Anh đã tiêm chủng 11 triệu liều vaccine AstraZeneca và không có biến động về số ca đông máu được ghi nhận kể từ khi vaccine được đưa vào sử dụng”, Giáo sư Anthony Harden, Phó Chủ tịch JCVI nói.
MHRA nói rằng cơ quan này đang làm việc chặt chẽ với các đối tác quốc tế để điều tra các trường hợp bị rối loạn đông máu, nhưng “các bằng chứng hiện có không cho thấy vaccine là nguyên nhân.
Bản thân hãng AstraZeneca cho biết, tới nay mới chỉ có 15 trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và 22 trường hợp tắc mạch phổi trên khắp EU cũng như nước Anh tính tới ngày 8/3.
“Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mắc bệnh thông thường trên toàn bộ dân số và cũng chỉ tương đương các trường hợp xảy ra với các vaccine ngừa Covid-19 khác được cấp phép hiện nay”, AstraZeneca cho biết trong một tuyên bố.
Những yếu tố ngoài khoa học
Phản hồi của AstraZeneca có vẻ như không xoa dịu được lo ngại của các nước châu Âu. Vẫn còn một số yếu tố khác khiến họ do dự.
Một trong số các lý do là không ai có thể loại trừ mọi tác dụng phụ hiếm gặp chỉ với các cuộc thử nghiệm có quy mô hàng chục nghìn người tham gia.
Đã từng có một trường hợp như vậy trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009. Trong các nghiên cứu sau này, người ta mới phát hiện ra rằng khoảng 55.000 trường hợp tiêm vaccine Pandemrix gặp phải chứng rối loạn giấc ngủ. ở Anh, có khoảng 100 người được cho là đã mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ này, khiến họ ngủ li bì suốt cả ngày dù không hề mệt mỏi.
Vì thế, các nước châu Âu sẽ rất cẩn trọng với bất cứ trường hợp đông máu bất thường nào sau tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ở Đan Mạch, một người 60 tuổi qua đời được cho là đã phát sinh những triệu trứng “rất bất thường”. Na Uy nói rằng có 3 trường hợp đang điều trị trong bệnh viện cũng có “các triệu chứng bất thường”.
Không giống như các tổ chức khoa học, chính phủ các nước phải cân nhắc nhiều yếu tố khác ngoài các bằng chứng khoa học. Họ phải lo ngại về niềm tin của công chúng đối với vaccine cũng như đối với việc các bộ ngành liên quan xử lý các mối lo ngại như thế nào.
Pháp đã phải vật lộn với chương trình tiêm chủng bởi người dân nước này có một lịch sử dài nghi ngờ về các công ty dược phẩm. Pháp đã mua hàng triệu liều vaccine ngừa Covid-19, nhưng người dân lại không mấy mặn mà với việc tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm phòng sởi, quai bị và rubella ở trẻ em cũng khá thấp.
Trong khi đó, Đức là nước đầu tiên từ chối cho phép tiêm vaccine AstraZeneca cho người trên 65 tuổi vì thiếu bằng chứng khoa học về hiệu quả của vaccine này với người cao tuổi. Điều này cho thấy Đức có cách tiếp cận thận trọng hơn so với những nước khác.
Một yếu tố khác khiến các nước quyết định đình chỉ sử dụng loại vaccine của AstraZeneca có thể là do nguồn cung. Anh có rất nhiều liều vaccine dự trữ, nhưng châu Âu thì không. AstraZeneca lại vừa cắt giảm số lượng bàn giao cho các nước xuống còn 30 triệu liều trong quý 1 năm nay, chỉ bằng 1/3 so với cam kết ban đầu. Việc dừng sử dụng vaccine sẽ là một quyết định dễ dàng hơn với châu Âu nếu không có đủ số lượng cần thiết./.
Hoàng Phạm (biên dịch)
Theo The Guardian
Nguồn: vov.vn