Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 3/4 cho biết quân đội nước này trước đó một ngày đã phóng tên lửa nhiên liệu rắn Hwasongpho-16B mang theo phương tiện lướt siêu vượt âm, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Kim Jong-un.
Vụ phóng sẽ giúp Triều Tiên hoàn thiện dự án chuyển "tất cả tên lửa chiến thuật, tác chiến, chiến lược với các tầm bắn khác nhau sang sử dụng nhiên liệu rắn, mang đầu đạn có thể điều khiển, cũng như đầu đạn hạt nhân", KCNA dẫn lời ông Kim. Điều này sẽ mang lại cho Bình Nhưỡng khả năng "tấn công nhanh chóng, chính xác và mạnh mẽ vào bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới".
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết quả đạn bay khoảng 600 km trước khi lao xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Cơ quan này nói vụ phóng dường như tập trung vào việc kiểm tra hiệu suất bay của tên lửa trong pha đầu, thêm rằng Bình Nhưỡng có thể đã "phóng đại" một số thông tin kỹ thuật của quả đạn, trong đó có tầm bay.
Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasongpho-16B hôm 2/4. Ảnh: KCNA
Triều Tiên từ lâu đã tìm cách làm chủ công nghệ nhiên liệu rắn cho tên lửa và phát triển vũ khí siêu vượt âm để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Mỹ và Hàn Quốc, cũng như gây sức ép lên căn cứ quân sự của Washington trong khu vực.
KCNA tháng 11/2023 thông báo nước này đã thử nghiệm thành công động cơ nhiên liệu rắn với sức đẩy lớn dành cho tên lửa đạn đạo tầm xa, khẳng định đây là bước tiến "có ý nghĩa chiến lược quan trọng".
Tuy nhiên, việc Bình Nhưỡng thông báo ý định từ nay chỉ chế tạo tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn được coi là điều bất ngờ, đặt ra câu hỏi về tác động của chính sách này với kho vũ khí dùng nhiên liệu lỏng của Bình Nhưỡng, như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 và Hwasong-15.
Decker Eveleth, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu về Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, trụ sở ở Mỹ, cho rằng việc Triều Tiên có kế hoạch từ bỏ vũ khí sử dụng nhiên liệu lỏng là điều khá ngạc nhiên, do truyền thông của Bình Nhưỡng gần đây vẫn thường xuyên đưa tin về các vụ thử khí tài dạng này.
Tuy nhiên, ông cũng đánh giá đây là bước đi hợp lý nếu Triều Tiên muốn xây dựng lực lượng tên lửa có khả năng phản ứng cực nhanh. "Tên lửa nhiên liệu rắn có thể được phóng khỏi mặt đất nhanh hơn nhiều trong trường hợp khẩn cấp", Eveleth viết trên mạng xã hội X.
Nhiên liệu lỏng cho tên lửa gồm thuốc phóng và chất oxy hóa, hoặc hai thành phần có thể gây ra phản ứng cháy khi trộn lẫn. Nó dễ bay hơi và cần nhiều thời gian để nạp vào tên lửa trước khi phóng. Đây được coi là điểm yếu "chí tử" của tên lửa nhiên liệu lỏng, bởi quá trình nạp nhiên liệu là thời điểm nó dễ bị đối phương phát hiện và tập kích nhất.
Trong khi đó, nhiên liệu rắn dễ vận chuyển hơn và có thể được lưu trữ sẵn trong tên lửa. Điều này đồng nghĩa tên lửa không cần phải nạp nhiêu liệu trước khi phóng và có thể khai hỏa gần như ngay sau khi nhận lệnh.
Quả đạn sử dụng nhiên liệu rắn cũng thường an toàn và dễ vận hành hơn, đòi hỏi ít hỗ trợ hậu cần, khó bị phát hiện và bắn hạ hơn so với tên lửa dùng nhiên liệu lỏng.
Việc sử dụng nhiên liệu rắn cho IBCM cũng cho phép Triều Tiên có thể bắn loại đạn này từ hầm chứa, thay vì chỉ khai hỏa từ bệ phóng di động (TEL) như trước đó, theo Eveleth. Điều này sẽ giúp Bình Nhưỡng có khả năng tung đòn đánh một cách bí mật và nhanh chóng hơn, khiến đối phương không có nhiều thời gian phản ứng.
Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, nhận định Triều Tiên có thể sẽ ưu tiên sản xuất khí tài sử dụng nhiên liệu rắn ở các lĩnh vực khả thi.
"Việc xây dựng kho vũ khí chỉ sử dụng nhiên liệu rắn sẽ mang lại cho Triều Tiên các lợi thế chiến lược rõ ràng, như có thể triển khai nhanh chóng hơn, phản ứng nhanh hơn và tăng khả năng sống sót", Panda cho hay, nhưng thêm rằng Bình Nhưỡng sẽ phải mất vài năm để từ bỏ hoàn toàn vũ khí dùng nhiên liệu lỏng.
Khác biệt giữa tên lửa nhiên liệu lỏng và rắn. Đồ họa: Reuters
Dù vậy, nhiên liệu rắn cũng có một số nhược điểm. Panda nhận định Triều Tiên dường như rất tự tin vào năng lực sản xuất của mình khi có ý định trữ tên lửa nhiên liệu rắn vào kho trong nhiều năm, do loại nhiên liệu này có thể xuống cấp trong quá trình lưu trữ và gây sự cố cho tên lửa khi bay.
"Ấn Độ và một số quốc gia khác cũng gặp phải vấn đề như vậy với tên lửa nhiên liệu rắn", chuyên gia này cho biết. "Dù có một số nhược điểm chiến lược, tên lửa nhiên liệu lỏng không gặp phải thách thức như vậy trong việc bảo quản".
Phạm Giang (Theo Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET