Khắp nơi đang đón một mùa Giáng sinh và lễ hội cuối năm rất khác so với mọi năm vì đại dịch COVID-19.

42 1 Mot Giang Sinh Rat Khac

Ảnh: MONTANA STANDARD

Sau hơn một năm hoành hành, đại dịch COVID-19 lúc này không những không dịu bớt mà còn có chiều hướng xấu thêm, thậm chí ở một số nước, dịch xấu hơn cả trong giai đoạn cao điểm giữa năm nay, lý do vì tác động của thời tiết lạnh và mùa lễ hội cuối năm. Tính đến ngày 24-12 (giờ Việt Nam), toàn cầu đã có hơn 79 triệu ca nhiễm COVID-19 trong đó hơn 1,7 triệu người đã chết, theo số liệu từ trang web thống kê Worldometers.

Hai loại vaccine COVID-19 đình đám của Mỹ - của Pfizer/BioNTech và của Moderna - đã được duyệt đưa vào tiêm chủng. Tuy nhiên, độ phủ sóng của nó vẫn còn rất hạn chế ở Mỹ và một số ít nước giàu khác (Canada, Anh). Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt vaccine của Pfizer/BioNTech nhưng tới đầu năm sau mới triển khai tiêm chủng. Có thể nói thời điểm này phần lớn dân số thế giới vẫn chưa thể tiếp cận được vaccine ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo đài CNN, thực tế này buộc nhiều nước phải ban hành nhiều biện pháp phòng dịch khắt khe, dù đây đang là mùa lễ hội được người dân thế giới trông chờ nhất: Giáng sinh và năm mới.

Từ bức ảnh cô bé và ông già Noel gặp nhau qua khung cửa kính ở TP Butte, hạt Silver Bow, bang Montana (Mỹ) có thể thấy rõ đại dịch COVID-19 đang chia cách con người thế nào. Ảnh: MONTANA STANDARD

Giới nghiêm, cô lập

Tại châu Âu, làn sóng COVID-19 thứ hai vẫn đang rất mạnh. Hàng loạt nước buộc phải lệnh hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Hàng quán, dịch vụ không cần thiết phải ngưng hoạt động sang đến trung bình giữa tháng 1 năm sau.

Chẳng hạn, Pháp giới nghiêm mọi buổi tối trong tháng 12  trừ đêm Giáng sinh nhưng áp dụng cho cả đêm giao thừa. Pháp là nước bị dịch hoành hành nặng nhất trong khối EU với gần 2,5 triệu ca nhiễm, trong đó gần 62.000 người chết tính tới ngày 24-12. Đức cấm tập trung quá 10 người trong đêm Giáng sinh, hủy mọi sự kiện bắn pháo hoa đêm giao thừa. Ý thì phong tỏa qua lại giữa các vùng trong mùa lễ Giáng sinh và năm mới. Tây Ban Nha cũng cấm di chuyển qua lại giữa các vùng từ ngày 23-12 đến tận tuần thứ hai của tháng 1-2021. Bỉ chỉ cho phép các hộ gia đình mời duy nhất một người đến nhà cùng ăn tiệc Giáng sinh.

Với trái tim nặng trĩu, tôi phải nói rằng… Giáng sinh năm nay sẽ rất khác.

Thủ tướng Anh BORIS JOHNSON 

Anh nới lỏng một phần hạn chế từ ngày 23 đến 27-12. Anh ngày 23-12 thông báo phát hiện thêm một biến thể mới nữa của virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19), chưa tới một tuần sau khi nước này phát hiện biến thể thứ nhất. Cả hai biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể cũ tới 70%. Các nước EU đã phong tỏa đường bay đến và đi từ Anh, dù Thủ tướng Anh Boris Johnson nói biến thể mới phát hiện tuần trước không nguy hiểm hơn biến thể cũ. Theo Tổng y sĩ Anh - GS Chris Whitty, biến thể này không ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine và cách điều trị, không làm tăng tỉ lệ tử vong. Anh là một trong những nước châu Âu bị dịch hoành hành thuộc hàng nặng nhất với hơn 2,1 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 69.000 người chết tính đến ngày 24-12.

GS Mahmoud Zureik - một nhà nghiên cứu bệnh dịch và chuyên gia sức khỏe công cộng tại ĐH Versailles Saint Quentin (Pháp) cảnh báo châu Âu chưa qua khỏi giai đoạn tồi tệ nhất và làn sóng thứ hai có thể sẽ nguy hiểm hơn, kéo dài hơn nếu người dân châu lục này lơi lỏng phòng dịch trong mùa Giáng sinh và cuối năm.

Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu lơi lỏng thì châu Âu hoàn toàn có thể nhận hậu quả bùng phát ca nhiễm và ca tử vong như ở Mỹ sau đợt lễ Tạ ơn vừa rồi (16-11). Sau mùa lễ hội này, Mỹ mỗi ngày ghi nhận tới tầm 200.000 ca nhiễm và từ 2.000 đến 3.000 người chết, cá biệt có ngày lên tới gần 3.600 người chết.

Thất nghiệp và đói

Bên kia Đại Tây Dương, ngày 22-12, tổng thống đắc cử Joe Biden cảnh báo “những ngày đen tối nhất” trong cuộc chiến chống đại dịch ở Mỹ “ở phía trước chúng ta, không phải phía sau”, đồng thời đề nghị người dân chuẩn bị chiến đấu. Mỹ hiện vẫn là nước đang bị dịch hoành hành nặng nhất thế giới với gần 19 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 334.000 người chết tính đến ngày 24-12.

TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm, cố vấn đội chống dịch của Nhà Trắng, cảnh báo Mỹ đang đứng trước “thời điểm cực kỳ thách thức” khi hậu quả kỳ lễ Tạ ơn chưa qua thì mùa Giáng sinh lại tới. Thời điểm đó, bất chấp khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh Mỹ (CDC), hơn ba triệu người trong nước vẫn đổ xô đi du lịch, đợt di chuyển lớn nhất ở nước này kể từ cao điểm giữa tháng 3.

Bên cạnh chuyện lây lan dịch thì ở Mỹ còn một vấn đề khác cũng nhức nhối không kém. Đại dịch đã làm 22,2 triệu người Mỹ mất việc và đến lúc này dù nhiều người đã tìm lại được việc làm nhưng vẫn còn khoảng 9,8 triệu người thất nghiệp, báo USA Today dẫn dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ. Viễn cảnh phục hồi kinh tế của Mỹ thời gian tới vẫn không rõ ràng vì đà lây lan dịch quá nghiêm trọng, dù nước này đã triển khai tiêm chủng.

Theo USA Today, hàng triệu gia đình Mỹ đang vật lộn với khó khăn kinh tế và phải tìm kiếm trợ giúp. Nhiều gia đình trước đại dịch COVID-19 chưa bao giờ nghĩ mình có lúc phải nhờ ai đó giúp đỡ miếng ăn.

Trong sáu tháng năm nay (từ tháng 3 đến tháng 9), tổ chức xã hội Cứu Thế Quân (chi nhánh ở Mỹ) phục vụ hơn 150 triệu bữa ăn, so với 52 triệu bữa trong cả năm 2019. Cứu Thế Quân dự đoán tổng số người nhờ đến sự trợ giúp của tổ chức này trong mùa lễ Giáng sinh và cuối năm nay sẽ tới 6,6 triệu người, so với trung bình 2,6 triệu người mùa lễ những năm trước.

Chưa bao giờ tổ chức Cứu Thế Quân ghi nhận số người cần trợ giúp nhiều đến thế trong lịch sử hoạt động. Thậm chí trong ba năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tổ chức này phục vụ bữa ăn cho tổng cộng 10 triệu người.

Quỹ từ thiện Annie E. Casey Foundation cho biết tình trạng trẻ em phải chịu đói ở Mỹ đang gia tăng. Một khảo sát thực hiện trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 cho thấy một trong bảy gia đình có trẻ em cho biết họ không có đủ thức ăn hằng ngày.

Xin hãy giúp, ông già Noel!

“Thưa ông già Noel, con không muốn có quà gì trong kỳ Giáng sinh này cả nhưng con muốn hỏi ông liệu ông có thể giúp con một điều: Liệu ông có thể làm ơn tìm một phương pháp chữa trị COVID-19 và mang đến cho chúng con để cứu thế giới? Con cám ơn ông. Yêu ông. Jonah”.

“Thưa ông. Cám ơn ông đã đọc thư con. Năm nay thật khó khăn với gia đình con. Gia đình con phải ra khỏi nhà. Ông có thể giúp con được không? Con cám ơn ông rất nhiều”.

Đây là hai trong rất nhiều bức thư các cô bé, cậu bé ở Mỹ gửi đến ông già Noel trong dịp Giáng sinh năm nay, thông qua chương trình Chiến dịch Ông già Noel.

Những mùa Giáng sinh trước, thông thường các bức thư thể hiện mong ước và cả sự tưởng tượng của trẻ thơ. Mùa Giáng sinh năm nay, rất nhiều bức thư thể hiện suy nghĩ của trẻ em với thực tế cả thế giới chìm trong đại dịch và chết chóc.

Vì đại dịch, rất nhiều trẻ em đã phải chứng kiến người thân nhiễm bệnh, thậm chí qua đời, chứng kiến cha mẹ mình mất việc, bản thân không được đến trường và gặp bạn bè. Không chỉ người lớn mới cảm nhận khó khăn, theo các bác sĩ tâm lý, đại dịch cũng tác động mạnh đến sức khỏe tâm thần của trẻ em. 

42 2 Mot Giang Sinh Rat Khac

Bức thư cảm động của một trẻ em Mỹ gửi ông già Noel. Ảnh: NPR

Nguồn: Thiên Ân/ Plo.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC