Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải chịu sức ép ngày càng tăng về việc chia sẻ kho dự trữ vắc-xin ngừa Covid-19 với phần còn lại của thế giới.

42 1 My Chiu Suc Ep Phai Chia Se Vac Xin Voi The Gioi

Ảnh: AP

Chính phủ liên bang Mỹ đã tích lũy được nhiều liều vắc-xin, mở rộng nguồn cung cấp và sẽ sớm trở nên thừa vắc-xin trong khi phần còn lại của thế giới vật lộn với sự thiếu hụt. Mỹ đã mua gấp 3 lần số vắc-xin cần thiết để tiêm chủng cho mỗi người trưởng thành tại nước này.

Theo The Hill, tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, ông đã chỉ thị cho chính quyền mua thêm 100 triệu vắc-xin Johnson & Johnson.

Nhà Trắng cho biết, các liều vắc-xin trên có thể dùng nếu việc sản xuất gặp trục trặc, để tiêm cho trẻ em hoặc làm liều tăng cường nếu chúng trở nên cần thiết để chống lại các biến thể của virus corona.

Nếu được ký, thỏa thuận trên sẽ mang lại cho Mỹ tổng số 200 triệu liều vắc-xin của Johnson & Johnson, đủ tiêm cho 200 triệu người.

Khi được hỏi về khoảng cách giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới trong vắc-xin, ông Biden thừa nhận bản chất toàn cầu của đại dịch song mục tiêu của ông là phải kiểm soát đại dịch Covid-19 ở Mỹ trước.

"Nếu có dư, Mỹ sẽ chia sẻ với phần còn lại của thế giới", người đứng đầu nước Mỹ tuyên bố và cho biết thêm, Mỹ đã cam kết dành 4 tỷ USD cho COVAX - chương trình phân phối vắc-xin khắp toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lãnh đạo.

Cuối tuần trước, ông Biden cam kết phối hợp với các lãnh đạo Australia, Ấn Độ và Nhật để mở rộng việc sản xuất và phân phối vắc-xin ở châu Á. Tuy nhiên, giới chức Mỹ tái khẳng định rằng Mỹ sẽ không tài trợ bất kỳ một liều vắc-xin nào cho tới khi toàn bộ dân số Mỹ được tiêm phòng.

Các chuyên gia và những nhà ủng hộ y tế toàn cầu cho rằng, Mỹ có khả năng tặng vắc-xin cho các quốc gia khác mà không ảnh hưởng lớn tới việc tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, Mỹ không sẵn sàng làm việc này.

"Thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiếp cận vắc-xin và chính quyền của ông Biden vẫn chưa thiết lập một khuôn khổ hay lịch trình rõ ràng để phân phát vắc-xin dư thừa", Sarah Swinehart, phát ngôn viên của chiến dịch ONE, tuyên bố.

Tổ chức cứu trợ toàn cầu UNICEF, hiện phối hợp với COVAX để phân phát vắc-xin cho hay, các nước đã tiêm chủng cho các nhân viên y tế và nhóm dân số có nguy cơ cao, nên chia sẻ các liều vắc-xin với những quốc gia khác.

Nhiều nước đồng minh của Mỹ đang tỏ ra thất vọng và gây sức ép với Washington sau khi chính quyền của ông Biden tích trữ hàng chục triệu liều vắc-xin do AstraZeneca sản xuất. Chính quyền của ông Trump trước đây đã đặt 300 triệu liều vắc-xin AstraZeneca nhưng các vấn đề về thử nghiệm lâm sàng khiến nó chưa được cấp phép.

Vắc-xin AstraZeneca được EU cấp phép sử dụng khẩn cấp và là vắc-xin chính được COVAX chuyển cho những nước nghèo. Hiện giờ, dù chưa được phép sử dụng tại Mỹ, nhưng giới chức Mỹ vẫn giữ nguồn cung. Điều phối viên về virus corona của Nhà Trắng Jeff Zients nói, Mỹ có một kho nhỏ loại vắc-xin này và có thể phân phối mau chóng sau khi nó được FDA phê duyệt trong vài tuần tới.

Hoài Linh

Nguồn: vietnamnet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC