Tổng thống Donald Trump đã cho phép phác thảo các lệnh trừng phạt “rất nặng nề” nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP)
Tuy nhiên, Washington chưa “kích hoạt” các biện pháp này vào thời điểm hiện nay.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Mnuchin nói: “Đây sẽ là các lệnh trừng phạt rất nặng nề. Chúng tôi hy vọng không phải sử dụng chúng, nhưng chúng tôi có thể khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hoạt động nếu thấy cần thiết”. Và các biện pháp trừng phạt có thể nhằm vào bất cứ cá nhân nào có quan hệ với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Tổng thống Trump đang lo ngại về việc chiến dịch tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhằm vào các thường dân, cơ sở hạ tầng dân sự, các nhóm sắc tộc hoặc cộng đồng tôn giáo thiểu số và khẳng định rõ, Ankara không được “cho phép dù chỉ một chiến binh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trốn thoát”.
Trong một động thái khác, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng ngày khẳng định, Ankara sẽ không chấm dứt chiến dịch tấn công nhằm các chiến binh người Kurd ở miền Bắc Syria, đồng thời bác bỏ điều mà ông gọi là “những lời đe dọa” từ các quốc gia khác.
Trong một bài diễn văn được trình bày ở thành phố Istanbul, ông Erdogan nhấn mạnh:
“Dù ai đó có thể nói bất cứ điều gì, chúng ta vẫn sẽ không dừng bước. Hiện có những lời đe dọa từ nhiều nơi, yêu cầu chúng ta chấm dứt chiến dịch này.
Chúng ta sẽ không lui bước…
Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến này cho tới khi tất cả các phần tử khủng bố chạy xuống phía Nam của giới hạn 32 km từ biên giới nước ta, mà chính ông Trump đã đề cập”.
Trong một tin có liên quan, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hà Lan khẳng định, Amsterdam sẽ đình chỉ toàn bộ các thương vụ xuất khẩu vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc tấn công của Ankara nhằm vào các lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Hà Lan đã quyết định đình chỉ tất cả các đơn xin giấy phép xuất khẩu những loại hàng hóa quân sự tới Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi tình hình được giải quyết”.
Theo thống kế của tổ chức nghiên cứu Stop Wapenhandel có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan chiếm 8% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của châu Âu tới Thổ Nhĩ Kỳ. Báo cáo năm 2017 của Stop Wapenhandel cho biết, những trang thiết bị quốc phòng của Hà Lan được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu là phụ tùng cho xe tăng, xe bọc thép, công nghệ và phụ tùng cho máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công.
Báo Thế giới và Việt Nam
(theo Reuters, AFP)