Triều Tiên hôm qua (6/10) cho biết nước này sẽ không gặp gỡ phía Mỹ để tiếp tục theo đuổi “tiến trình đàm phán đáng thất vọng” cho đến khi Washington từ bỏ “chính sách thù địch” chống lại Bình Nhưỡng. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hai bên tiếp tục thể hiện quan điểm bất đồng nhau trong cuộc đàm phán mới nhất ở Thụy Điển hồi cuối tuần vừa rồi.

42 1 My Dieng Nguoi Truoc Tuyen Bo Danh Thep Bat Ngo Cua Trieu Tien

Trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên

Sau cuộc gặp đầu tiên trong hơn 7 tháng trở lại đây diễn ra hôm 5/10, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Triều Tiên – ông Kim Miyong Gil cho biết, các cuộc đàm phán đã đổ vỡ “hoàn toàn bởi vì Mỹ không chịu từ bỏ lập trường và thái độ cũ”.

Họ đến bàn đàm phán với “bàn tay trắng”.

Tuy nhiên, phía Mỹ cho hay hai bên đã có cuộc “thảo luận tốt đẹp” và có thể thúc đẩy thêm nhiều cuộc đàm phán trong hai tuần nữa.

Tối ngày 5/10, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã phát đi một tuyên bố cáo buộc Mỹ đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận và đang “tung ra một câu chuyện hoàn toàn không có cơ sở về việc hai bên tiếp tục để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc gặp gỡ khác”.

Tuyên bố của phía Bình Nhưỡng nói rằng, cuộc đàm phán ở Stockholm “khiến chúng tôi nghĩ rằng họ chẳng có bất kỳ ý chí chính trị nào trong việc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều Tiên và họ đang lợi dụng các mối quan hệ song phương vì mục tích riêng ở trong nước”.

Triều Tiên tuyên bố họ sẽ không sẵn sàng tổ chức “những cuộc đàm phán đáng thất bại” như ở Stockholm cho đến khi Mỹ “có bước đi đáng kể nhằm từ bỏ hoàn toàn chính sách thù địch đối với Triều Tiên”.

Tuyên bố của Bình Nhưỡng không nói rõ chính sách thù địch của Mỹ là chính sách nào.

Tuy nhiên, trước đó, Triều Tiên cáo buộc Mỹ có âm mưu xâm lược nước họ. Bình Nhưỡng tin rằng, chính sách trừng phạt mà Mỹ đang dẫn dắt các nước thực hiện là nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của Triều Tiên.

42 2 My Dieng Nguoi Truoc Tuyen Bo Danh Thep Bat Ngo Cua Trieu Tien

Ông Kim Myong Gil – trưởng đoàn đàm phán của phía Triều Tiên tại cuộc đàm phán ở Stockholm hồi cuối tuần, đã nói rằng, kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un ở Singapore hồi tháng Sáu năm 2018, phía Mỹ đã liên tục đe dọa sẽ tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên và tổ chức các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai miền liên Triều hồi cuối tháng 4/2018 và cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ và Triều Tiên hồi tháng 6/2018, người ta đã đặt rất nhiều hy vọng về một cái kết tốt đẹp cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên kéo dài dai dẳng bao thập kỷ qua. Trước đó, bán đảo Triều Tiên đã có nhiều tháng ở trong giai đoạn căng thẳng cao độ, tiến gần sát đến bờ vực của một cuộc chiến tranh bùng nổ khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa, khiến các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sôi sục tức giận. Hàng loạt những lời cảnh báo đáng sợ và những động thái quân sự “gây giật mình” đã được tung ra, khiến bán đảo Triều Tiên luôn ở trạng thái sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào.

Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un ở Singapore hồi tháng Sáu năm 2018 đã đem lại rất nhiều kỳ vọng. Trong cuộc gặp lịch sử này, hai bên đã ký được một văn bản chung mà theo đó Triều Tiên cam kết sẽ tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để đổi lại sự đảm bảo về an ninh từ phía Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc ở gần biên giới Triều Tiên.

Cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra ở Hà Nội hồi đầu năm nay. Cuộc gặp lần này từng được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm một trong những cuộc khủng hoàng nghiêm trọng nhất trên thế giới liên quan đến vấn đề tên lửa và vũ khí hạt nhân nhưng kết quả không được như mong đợi.

Trong khi đó, cuộc gặp mới nhất vừa rồi giữa ông Kim và ông Trump ở Khu vực Phi quân sự giữa hai miền liên Triều được đánh giá chỉ là mang tính biểu tượng và chưa đem lại bất kỳ kết quả cụ thể khả quan nào.

Kể từ đó đến nay, Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, khiến cộng đồng quốc tế quan ngại viễn cảnh bán đảo Triều Tiên lại rơi trở lại thời kỳ khủng hoảng đáng lo ngại, khi bất kỳ động thái nào của các bên liên quan đều có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự.

Kiệt Linh tổng hợp

Theo: AP




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC