Mỹ có cột mốc mới đáng ngại với hơn 3.000 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 9-12. Số bệnh nhân nhập viện để điều trị COVID-19 cũng tăng trên khắp cả nước với cột mốc mới là 105.805 ca vào cuối ngày 9-12.

Các ca mắc mới và nhập viện vì COVID-19 đang tăng cao ở mức đáng báo động tại Mỹ, gây áp lực ngày càng lớn lên hệ thống y tế ở một số điểm nóng bùng phát dịch bệnh. 

Theo dữ liệu của hãng tin Reuters, 10 quận ở bang California ngày 9-12 thông báo không còn giường bệnh chăm sóc đặc biệt (ICU).

Số bệnh nhân nhập viện để điều trị COVID-19 cũng tăng trên khắp cả nước với cột mốc mới là 105.805 ca vào cuối ngày 9-12, tăng 18% so với hai tuần trước đó.

Trong tuần vừa qua, Mỹ cũng đã ghi nhận trung bình 2.250 ca tử vong và hơn 205.000 ca mắc mới mỗi ngày. Cho đến nay, cả nước Mỹ có hơn 15 triệu người nhiễm virus corona, trong đó hơn 290.000 người đã tử vong.

Các quan chức y tế Mỹ cảnh báo các con số này sẽ tăng nhanh chóng trong những tháng mùa đông tới trước khi vắc xin được phổ biến rộng rãi trong công chúng, đặc biệt nếu người dân tiếp tục phớt lờ các cảnh báo tránh đi du lịch và tụ tập đông người trong các dịp lễ cuối năm.

Bên cạnh tổn thất về nhân mạng, đại dịch COVID-19 cũng tàn phá nền kinh tế Mỹ, buộc hàng triệu người phải nghỉ việc khi chính quyền địa phương ban hành các giới hạn phòng dịch sâu rộng ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và xã hội.

42 1 My Hon 3000 Ca Tu Vong Vi Covid 19 Trong Mot Ngay

Ngày càng nhiều bệnh nhân nhập viện để điều trị COVID-19 tại Mỹ, gây áp lực to lớn cho hệ thống y tế ở nhiều nơi - Ảnh: AFP

Mặt khác, ngày càng có nhiều cuộc tranh cãi về việc đeo khẩu trang và các biện pháp hạn chế khác xuất hiện ở những thành phố vừa và nhỏ, được xem là tương đối an toàn hơn so với các thành phố lớn dễ bùng phát các ổ dịch.

Các quan chức y tế công cộng tại thành phố Boise, bang Idaho đã phải hoãn cuộc bỏ phiếu về lệnh đeo khẩu trang do lo ngại an toàn khi những người biểu tình phản đối biện pháp này tập trung bên ngoài nơi họp và quanh nhà của các quan chức này, theo hãng tin AP ngày 9-12.

Ủy viên Diana Lachiondo, thành viên hội đồng y tế thành phố Boise, đã phải vội vàng rời cuộc họp về nhà để trấn an con khi những người biểu tình đập thùng, thổi còi bên ngoài cửa nhà bà.

Tương tự, thị trưởng thành phố Rapid, bang South Dakota cho biết các thành viên của hội đồng thành phố cũng bị đe dọa sau khi đề xuất bắt buộc đeo khẩu trang trong toàn thành phố.

Thông tin tích cực nhất trong ngày 9-12 đến khi một số quan chức Mỹ thông báo việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 có thể bắt đầu sớm nhất vào cuối tuần này, và các bang đang gấp rút lên kế hoạch để phân phối số lượng vắc xin dự kiến chưa từng có trước đây, theo Reuters.

Một hội đồng gồm các chuyên gia y tế độc lập sẽ họp ngày 10-12 giờ Mỹ để quyết định có nên khuyến nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vắc xin Pfizer và đối tác BioNTEch hay không.

Quan chức Moncef Slaoui, thuộc Chiến dịch vắc xin thần tốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cho biết FDA có thể cấp phép vắc xin trên vào ngày 11 hoặc 12-12 và những mũi tiêm đầu tiên sẽ đến tay những người trong diện ưu tiên ở Mỹ vào ngày 13-12.

Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 100 triệu người, gần 1/3 dân số Mỹ, trong 100 ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên, ông Biden dự kiến sẽ gặp phải khó khăn khi có khá nhiều người Mỹ không tin tưởng vào việc chủng ngừa COVID-19.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC