Hôm 10/3, tờ The Times của Anh cho biết rằng, Lực lượng hải quân Anh tuyên bố sẽ thường trực ở Vòng cung Bắc Cực để đối phó với lợi thế chiến lược của Nga và Trung Quốc trong việc kiểm soát các tuyến thương mại mới ở Bắc Băng Dương do băng tan ở Bắc Cực mở ra.
Theo The Times, biến đổi khí hậu được coi là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với tình hình an ninh quốc tế" khi xem xét toàn diện các vấn đề về an ninh, quốc phòng và chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh.
Văn kiện mang tên “Nước Anh toàn cầu trong thời đại cạnh tranh” (Global Britain in a Competitive Age), dự kiến công bố vào tuần tới sẽ nêu các sửa đổi sâu sắc nhất trong chiến lược quốc phòng của Vương quốc kể từ Chiến tranh Lạnh, với định nghĩa rõ ràng về "nguy cơ đe dọa đối với sự ổn định toàn cầu", trong đó có tình hình biến đổi khí hậu.
Các quan chức Anh cho rằng, sự nóng lên toàn cầu sẽ tác động lên an ninh lương thực, cung cấp nước, do đó vấn đề di cư và chủ nghĩa cực đoan ở các khu vực như Sahel của châu Phi có thể gây ra nhiều tác động đối với an ninh của Vương quốc Anh.
Tàu ngầm hạt nhân S-88 HMS Tireless lớp Trafalgar của Hải quân Anh ở Bắc Cực
Bên cạnh đó, sự nóng lên toàn cầu sẽ làm tan băng ở Bắc Cực, khiến London lo ngại rằng, Moscow và Bắc Kinh có thể lợi dụng các tuyến đường biển mới đang xuất hiện bên ngoài Vòng Bắc Cực khi băng tan, mở ra tuyến đường biển mới cho Nga và Trung Quốc.
"Sự thịnh vượng trên thế giới phụ thuộc vào thương mại, nếu các tuyến đường thương mại mới được mở ra, chúng ta cần đảm bảo rằng chúng vẫn mở và không chịu sự kiểm soát của một hoặc hai quốc gia" - nguồn tin của Hải quân Anh cho biết.
The Times nhấn mạnh, tháng 9 năm ngoái, hai máy bay chiến đấu Typhoon của Anh và khinh hạm HMS Sutherland đã được điều đến Vòng cung Bắc Cực để thể hiện cam kết trong tự do hàng hải khu vực giữa các nước NATO.
Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm, Hải quân Anh đưa lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia tới đó, cách bờ biển Nga chỉ vẻn vẹn 50 hải lý.
Được biết, trong thời gian gần đây Mỹ đã liên tiếp có những tuyên bố và hành động liên kết với các đồng minh để đối phó với Nga.
Hồi đầu tháng này, Hoa Kỳ và Canada đã thỏa thuận hiện đại hóa Bộ Tư lệnh Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (North American Aerospace Defense Command - NORAD) và khởi động tiến trình đối thoại mở rộng về Bắc Cực.
Sở dĩ cần phải nâng cấp NORAD là do trong thời gian qua, các máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-160 Blackjack của Nga thường xuyên thực hiện chuyến bay theo kế hoạch trên vùng biển trung lập Bắc Băng Dương, biển Laptev, biển Barents và biển Kara ở vùng Cực Bắc với hàng chục giờ bay trên bầu trời.
Ngoài ra, Hoa Kỳ và Canada còn tiến hành cuộc đối thoại mở rộng về Bắc cực, với trọng tâm là quân sự, nhưng cũng sẽ bao gồm các vấn đề liên quan đến an ninh lục địa, quản lý và phát triển kinh tế xã hội. Một trọng tâm trong đó là đổi mới mạng lưới vệ tinh quốc phòng và hệ thống giám sát ở khu vực Bắc Cực để chống lại Nga.
Hệ thống này gồm các vệ tinh, trạm radar mặt đất và các căn cứ không quân - chủ yếu bố trí ở Alaska và phần Bắc Cực thuộc Canada, trong đó, hệ thống vệ tinh sẽ đóng vai trò nòng cốt.
Huy Bình
Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn