Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 4/1 (theo giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 218 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho gần 85,5 triệu người, trong đó hơn 1,8 triệu trường hợp tử vong. Song, gần 60,4 triệu ca bệnh khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.
Cảnh báo sụp đổ hệ thống y tế ở Mỹ sau kỳ nghỉ
Theo CNN, tính trung bình, số ca nhiễm mới Covid-19 mỗi ngày ở Mỹ suốt hơn 1 tháng qua đều vượt quá 100.000 người, đe dọa dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, đặc biệt là sau các kỳ nghỉ lễ khi nhiều người dân lơ là các chỉ dẫn giãn cách xã hội.
Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 21,1 triệu ca mắc và 360.059 ca tử vong.
Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu mọi người không chung tay hành động, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Quan chức này cho biết thêm, hiện rất khó để nói biến thể virus lây lan nhanh hơn đã phát tán khắp xứ sở cờ hoa hay chưa khi ngày càng có nhiều ca nhiễm được phát hiện ở các bang Colorado, California và Florida.
Song, ông Adams lạc quan rằng nước này đang có trong tay các vũ khí có thể đánh bại mầm bệnh nguy hiểm này.
Trong một diễn biến riêng rẽ, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ đã lên tiếng phản bác một thông điệp mới đây của Tổng thống Donald Trump về số người thiệt mạng vì đại dịch ở nước này.
Sáng 3/1, ông Trump viết trên Twitter rằng, xứ sở cờ hoa ghi nhận số ca tử vong cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác vì việc xét nghiệm kiểm dịch tốt hơn. Tuy nhiên, phát biểu trên kênh ABC, ông Fauci bày tỏ sự không đồng tình với phát biểu của lãnh đạo Nhà Trắng, đồng thời nhấn mạnh số liệu phản ánh sự thật đáng buồn.
"Tất cả những gì ngài cần làm là đi tới các nơi đào huyệt mộ, đến các bệnh viện, xem các nhân viên y tế đang giải quyết những gì. Họ đang phải chịu những tình huống rất căng thẳng ở nhiều khu vực của đất nước. Các giường bệnh cần lắp đặt thêm, chúng ta đang hết sạch giường bệnh, cạn kiệt nhân sự y tế đã qua đào tạo và họ cũng đang kiệt sức”, ông Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia kiêm cố vấn hàng đầu về virus corona của Nhà Trắng nhấn mạnh.
Anh cân nhắc siết phong tỏa
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 3/1 tuyên bố, Chính phủ nước này nhiều khả năng sắp cho triển khai các biện pháp phong tỏa gắt gao hơn trong bối cảnh số ca dương tính với virus corona chủng mới không ngừng tăng vọt. Tuy nhiên, ông Johnson khẳng định, các trường học an toàn và trẻ em cần tiếp tục đến trường ở những nơi các cơ sở giáo dục được phép duy trì hoạt động.
Theo Reuters, số ca nhiễm mới Covid-19 ở Anh đã vượt các mốc cao kỷ lục thời gian qua, một phần do sự xuất hiện của biến thể virus lây lan nhanh hơn.
Trước diễn biến dịch phức tạp, Chính phủ Anh đã hủy kế hoạch cho phép các trường ở London và các khu vực lân cận thủ đô tái mở cửa. Nhiều vùng ở Anh đang bị áp các biện pháp giới hạn mức độ cao nhất trong thang cảnh báo 4 mức nhằm ngăn chặn mầm bệnh cũng như bảo vệ hệ thống y tế quốc gia đang quá tải.
Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng đối lập yêu cầu Thủ tướng Johnson phải cho triển khai phong tỏa toàn quốc trong vòng 24 giờ tới. Chính khách này giải thích, chính quyền của ông Johnson càng trì hoãn đưa ra quyết định khó khăn, "tình hình ở mặt trận y tế và mặt trận kinh tế sẽ càng tồi tệ hơn".
Anh hiện là một trong những "điểm nóng" về dịch ở châu Âu với gần 2,6 triệu ca nhiễm và hơn 75.000 ca tử vong. Hàng chục quốc gia đã ra lệnh cấm các chuyên bay và du khách nhập cảnh từ nước này do lo ngại biến thể virus mới.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho biết chương trình chủng ngừa vắc-xin Covid-19 ở nước này dự kiến sẽ được khởi động trong tuần thứ hai hoặc thứ ba của tháng 1. Các nhân viên y tế tuyến đầu, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và người cao tuổi sẽ là những đối tượng được ưu tiên tiêm chủng đợt đầu. Cùng ngày, nước này bắt đầu áp mức phạt 50 bảng Ai Cập (3,2 USD) với những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đặc biệt tại các bến xe buýt và ga tàu điện ngầm.
- Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ ngày 3/1 đã phê duyệt hai vắc-xin ngừa Covid-19, bao gồm một chế phẩm có tên COVAXIN do công ty trong nước Bharat Biotech phát triển và một vắc-xin do hãng dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) bào chế. Quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới dự kiến bắt đầu chương trình chủng ngừa diện rộng cho dân trong vài tuần nữa.
- Ngân hàng Trung ương Israel ước tính, nền kinh tế nước này sẽ thiệt hại khoảng 5 tỷ NIS (gần 1,56 tỷ USD) do đợt phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus lần thứ ba.
- Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết, nước này dự kiến sẽ tiêm ngừa vắc-xin cho 1 triệu nhân viên y tế tuyến đầu và các nhóm dân có nguy cơ cao nhiễm virus, kể từ tháng 2. Chính phủ quốc gia Đông Nam Á này hiện không có ý định sớm mở lại cửa biên giới khi tốc độ lây nhiễm mầm bệnh nguy hiểm trên thế giới vẫn còn cao.
Nguồn: Tuấn Anh/ Vietnamnet.vn