Nhiều chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng nếu có một thứ khiến cạnh tranh quyền lực toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc biến thành xung đột quân sự, đó phải là Đài Loan.

42 1 My Se Hanh Dong Nhu The Nao Neu Dai Loan Bi Tan Cong

Phái đoàn không chính thức của Mỹ thăm Đài Loan ngày 14-4 khiến Trung Quốc nổi giận – Ảnh: REUTERS

“Chúng tôi sẽ không bao giờ để Đài Loan độc lập“_Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành

Sau cuộc gặp cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga ra một tuyên bố chung về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Tiến sát “lằn ranh đỏ”

Giới quan sát cho rằng dù phần lớn mang tính biểu tượng, động thái trên là dấu hiệu diễn tả mối quan tâm ngày càng tăng của Mỹ về vấn đề an ninh Đài Loan, cũng như viễn cảnh chính quyền ông Biden tiến sát “lằn ranh đỏ” mà Trung Quốc vạch ra trong vấn đề Đài Loan.

Thông điệp của Mỹ – Nhật được đưa ra sau khi eo biển Đài Loan chứng kiến hàng loạt căng thẳng liên quan tới quân sự trên thực địa.

Hôm 14-4, Trung Quốc công bố tập trận bắn đạn thật 6 ngày ngoài khơi bờ biển phía tây nam Đài Loan.

Đây là giai đoạn lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tiếp một phái đoàn không chính thức của Mỹ, trong đó phía Mỹ cho rằng chuyến đi này mang theo “một tín hiệu cá nhân” của Tổng thống Biden trong cam kết với Đài Loan.

Cuộc tập trận trên cũng diễn ra sau khi 25 chiếc máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Trước đó nữa, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tiến hành tập trận ở phía đông hòn đảo này.

Trước mỗi động thái chính trị của Mỹ dành cho Đài Loan, Trung Quốc đáp lại bằng cả phản đối ngoại giao lẫn diễn tập quân sự. Điều này càng khiến lo ngại từ một số quan chức quốc phòng Mỹ về khả năng Bắc Kinh động binh với Đài Loan gia tăng. Đặc biệt vào tháng 3, đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM), đã nói về nguy cơ trong vòng 6 năm tới Trung Quốc có thể dùng vũ lực để khiến Đài Loan quy phục.

Hôm 18-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho đăng toàn văn cuộc phỏng vấn của Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành với phóng viên AP. Ông Lạc khẳng định rằng dù Tổng thống Biden có cử một phái đoàn ngoại giao “cấp thấp” tới Đài Loan, thay vì cử quan chức đương nhiệm như thời tổng thống Donald Trump, thì Trung Quốc vẫn phản đối vì đơn giản không có chỗ cho sự thỏa hiệp.

Nhắc tới câu chuyện Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ hành động với Đài Loan sớm hơn dự kiến, ông Lạc nhấn mạnh “thống nhất đất nước Trung Quốc là một tiến trình lịch sử… không thể bị bất cứ ai hay thế lực nào ngăn cản”. Vị quan chức này không quên nhắc lại khả năng dùng vũ lực. Ông nói: “Chúng tôi chuẩn bị mọi thứ có thể cho sự thống nhất hòa bình. Điều đó nghĩa là chúng tôi không hứa sẽ từ bỏ các lựa chọn khác. Không lựa chọn nào bị loại trừ cả”.

Mỹ thay đổi chiến lược?

Khi Đài Loan biến thành điểm nóng căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ – Trung giai đoạn này và sự ủng hộ của chính quyền ông Biden đối với Đài Loan được cho đang mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên, vấn đề đặt ra là nếu Trung Quốc… tấn công Đài Loan, Mỹ có thể vào cuộc và bảo vệ Đài Loan hay không.

Trường hợp gây sốc này bắt nguồn từ mối lo ngại cho an ninh Đài Loan mà một số quan chức Mỹ đang dấy lên như đã nêu. Nhưng đi sâu hơn, tranh luận xung quanh viễn cảnh trên chủ yếu tập trung vào một dấu hỏi, một thách thức khác cho chiến lược của ông Biden: liệu đã tới lúc Mỹ từ bỏ “sự mơ hồ chiến lược” và thay nó bằng cách tiếp cận khác rõ ràng hơn?

Lâu nay, Mỹ đã “mơ hồ chiến lược” bằng cách tránh nói về phản ứng của mình nếu Đài Loan bị tấn công. Dù Washington ủng hộ Đài Bắc qua đường ngoại giao, mua bán vũ khí, hay dùng lời lẽ cứng rắn… thì không có tuyên bố, học thuyết hay thỏa thuận an ninh nào buộc Mỹ phải “giải cứu” Đài Loan. Sự mơ hồ có tính toán này nhằm duy trì cân bằng, thận trọng, không kích động Trung Quốc, cũng như không thúc giục Đài Loan đưa ra một tuyên bố độc lập vốn có thể dẫn tới một màn động thủ thực sự của Trung Quốc.

New York Times dẫn lời ông Richard Haass – cựu giám đốc hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, nay là chủ tịch Hội đồng về quan hệ quốc tế, khẳng định đã có sự thay đổi trong tư duy của người Mỹ về vấn đề này. Ông mô tả cảm giác rằng “tình huống mong manh này dường như đã được xử lý tốt trong nhiều thập niên nhưng đột nhiên mọi người thức tỉnh với khả năng về việc kỷ nguyên (mơ hồ chiến lược) đó đã kết thúc”.

“Đã đến lúc Mỹ đưa ra một chính sách rõ ràng về chiến lược: một chính sách thể hiện Mỹ sẽ đáp trả bất kỳ động thái quân sự nào Trung Quốc thực hiện chống lại Đài Loan” – ông Haass cho biết.

Cần một cuộc gặp thượng đỉnh?

Trong bài viết ngày 17-4, cựu tổng biên tập Vương Hướng Vĩ của South China Morning Post cho rằng đã đến lúc Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh về Đài Loan và một số vấn đề khác của hai nước. Dự báo này dựa trên việc ông Biden đề xuất gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây.

Nếu đối thoại là khuynh hướng hành động của ông Biden giai đoạn này, một cuộc gặp với ông Tập cũng sẽ là giải pháp mang tính bước ngoặt cho câu chuyện đang nóng bỏng ở đảo Đài Loan.

Nguồn: Tuoitre




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC