Bất kể kết quả bầu cử ra sao, ông Trump vẫn còn 2 tháng ở Nhà Trắng, khoảng thời gian đủ để đưa ra những trừng phạt mới nhắm vào Trung Quốc.

Những lựa chọn của ông Trump

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn chưa ngã ngũ, song các tin tức do truyền thông Mỹ phát đi cho thấy đương kim Tổng thống Donald Trump dường như đang gặp bất lợi.

Trong khi đó, ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden cũng hối hả các bước đi nhằm hướng tới chuyển giao quyền lực.

Một trong những câu hỏi được dư luận quốc tế quan tâm là ông Trump sẽ làm gì với Trung Quốc trong thời gian này. Theo giới phân tích, ông Trump rất có thể sẽ “gây tiếng vang” bằng cách tập trung vào chính sách đối ngoại, đặc biệt là sử dụng những công cụ mà ông có thể triển khai nhanh chóng và ít gặp trở ngại.

Trong đó sẽ gồm các sắc lệnh hành pháp, những cơ quan ra quy định hoặc bổ nhiệm những vị trí mà không cần Thượng viện thông qua, hoặc điều chuyển các vị trí bổ nhiệm chính trị sang làm công chức sự nghiệp khó thay thế.

Với những công cụ có trong tay, ông Trump rất có thể sẽ đưa Trung Quốc vào tầm ngắm. Một trong những lý do được giới phân tích nhắc tới là việc ông Trump từng đưa ra lời cáo buộc nhằm vào Bắc Kinh liên quan tới sự bùng phát đại dịch COVID-19, yếu tố khiến cho nền kinh tế Mỹ suy yếu và làm tiêu tan cơ hội tái đắc cử của ông.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), một nội các sắp giải tán thường có những thay đổi về mặt hành chính - hay còn gọi là phương pháp “làm luật nửa đêm”. Một số bộ trưởng Mỹ có thể sẽ tiếp tục ủng hộ đường lối cứng rắn chống lại Bắc Kinh, ví dụ như Bộ Ngoại giao Mỹ có thể tìm cách từ chối cấp thị thực đối với các quan chức của Trung Quốc; Bộ Quốc phòng và Thương mại Mỹ có thể ủng hộ nhiều hơn việc hạn chế xuất khẩu; Bộ Tư pháp Mỹ có thể tiếp tục cáo buộc các sinh viên và nhà khoa học Trung Quốc.

Vấn đề Đài Loan được giới phân tích đặc biệt chú ý trong trường hợp ông Trump muốn nhằm vào Trung Quốc trước khi rời Nhà Trắng. Chiến thuật này sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung vốn căng thẳng càng trở nên tệ hơn, đồng thời gây cản trở đối với bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền kế nhiệm nhằm cải thiện hợp tác song phương.

Một trong những lựa chọn của ông Trump có thể sẽ là cử một thành viên nội các đến Đài Bắc nhằm thắt chặt quan hệ quân sự hai bên và tuyên bố đàm phán về một hiệp định thương mại tự do.

Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc CSIS nhận định rằng chính quyền của Tổng thống Trump đang cố “đóng đinh nhiều chính sách khó đảo ngược nhất có thể, dù đó là Trung Quốc, Iran và ở bất kỳ nơi nào khác”.

42 1 My Se Lam Luat Nua Dem Voi Trung Quoc

Ông Trump có nhiều lựa chọn với Trung Quốc ngay cả khi chỉ còn 2 tháng tại nhiệm

Ngoài ra, chính quyền của ông Trump cũng có thể gây sức ép đối với Trung Quốc liên quan vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, từ chối cấp thị thực đối với nhiều quan chức Trung Quốc hoặc hạ lệnh cho các vận động viên Mỹ không tham dự Đại hội Thể thao Olymlic mùa Đông ở Bắc Kinh vào năm 2022. Những sắc lệnh như vậy có thể dễ dàng bị đảo ngược nhưng chính quyền kế nhiệm ở Mỹ sẽ bị đánh giá là mềm mỏng hay “xuống thang” với Trung Quốc nếu làm như vậy. Việc đảo chiều nhanh chóng các quyết định cũng làm hạ uy tín vốn đã bị tổn hại của Mỹ.

Khi Trung Quốc dè chừng...

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), 73% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, tăng 13% so với năm 2019 và 20% so với năm 2017 khi ông Trump nhậm chức.

Theo Giáo sư Christopher Miller, Phó Giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ), những lựa chọn khác của ông Trump bao gồm trừng phạt thêm các công ty quốc doanh của Trung Quốc, hạn chế thêm việc xuất khẩu các mặt hàng “lưỡng dụng” phục vụ mục đích quân sự lẫn dân sự, cấm thêm nhiều ứng dụng của Trung Quốc sau chiến dịch cấm TikTok và WeChat, hoặc chặn tất cả các hoạt động bán chất bán dẫn cho Tập đoàn công nghệ Huawei xa hơn việc dùng cho mạng 5G.

Washington cũng có thể sẽ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ để nhằm áp đặt thêm các mức thuế trừng phạt.

42 2 My Se Lam Luat Nua Dem Voi Trung Quoc

Việc Mỹ "làm luật nửa đêm" sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc

Chuyên gia Zack Cooper thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nhấn mạnh: “Về mặt chính trị, sẽ rất khó để có thể hủy bỏ một sắc lệnh thuế nếu không đổi lại được gì.

Câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì để Bắc Kinh có thể nhanh chóng thực hiện và mang lại kết quả thiết thực”.

Trong khi đó, tờ Thời báo châu Á nêu ra một chi tiết đáng chú ý là một nhóm các nhân vật có lập trường cứng rắn và trung thành với đương kim Tổng thống Trump vừa được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao của Lầu Năm Góc vào phút chót.

Việc ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper được giới quân sự nhận định về một “cú đòn chia tay” mà ông muốn giáng vào Trung Quốc trong những ngày cuối cùng của ông tại nhiệm sở.

Nhưng ngay cả khi ông Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ, Trung Quốc dường như cũng không có nhiều hy vọng.

Thời báo châu Á đánh giá, ông Biden đã cho thấy rõ rằng ông sẽ không nương tay. Ông Biden đã có các động thái ngoại giao tích cực với các đồng minh và đối tác của Mỹ trên khắp thế giới, hy vọng củng cố một liên minh đảm bảo an ninh cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

42 3 My Se Lam Luat Nua Dem Voi Trung Quoc

Trung Quốc "dè dặt" khi lên tiếng chúc mừng ông Biden ngày 13/11

Trong cuộc điện đàm với tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, ông Biden đã nhấn mạnh những cam kết chung đối với một khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ông cũng nhắc lại những cam kết đảm bảo an ninh cho đồng minh Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Sau hơn một tuần im lặng, mãi đến ngày 13/11, Bắc Kinh mới chính thức lên tiếng chúc mừng ông Biden, nhưng theo cách được đánh giá là “rất dè dặt”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 13/11 tuyên bố:

“Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ. Chúng tôi gửi lời chúc mừng đến ông Biden và bà Harris".

Tuy nhiên, giới phân tích lại chú ý đến thực tế là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa lên tiếng chúc mừng ông Biden.

Theo giới phân tích, có thể vì ông Trump vẫn còn đứng đầu Nhà Trắng hai tháng nữa. Đây là khoảng thời gian đủ để ông Trump đưa ra những trừng phạt mới nhắm vào Trung Quốc.

Đông Triều

Nguồn: baodatviet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC