Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong năm 2019 được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua hôm 25/9, tạo tiền đề cho các cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội trong các tuần tới, theoSCMP.

42 1 My Thuc Day Dao Luat Ve Dan Chu Hong Kong Tq Tuc Gian

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi và nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong tại Washington D.C 18/9/2019

Đạo luật này của Mỹ đưa ra nhằm hỗ trợ các quyền tự do dân chủ ở Hong Kong bằng cách gia tăng áp lực lên chính quyền Trung Quốc - điều mà Trung Quốc cho là "can thiệp vào nội bộ" của nước này.

"Việc được thông qua ở hai ủy ban là bước tiến lớn," ông Jeff Sagnip, giám đốc chính sách cho ông Chris Smith, Nghị sĩ đảng Cộng hòa giới thiệu dự luật ra Hạ viện, nói.

Ông Smith nói thêm rằng, một cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện có thể sẽ diễn ra trong tháng Mười.

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong đóng vai trò sửa đổi Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ - Hong Kong năm 1992, nhằm bảo đảm rằng, các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các liên hệ khác của Mỹ với Hong Kong không bị ảnh hưởng sau khi thành phố này được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Nếu được thông qua, Đạo luật này sẽ yêu cầu Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cho là chịu trách nhiệm cho việc "phá hoại các quyền tự do cơ bản ở Hong Kong".

"Mỗi lần chúng tôi thúc đảy để thông qua dự luật này thì lại có phản đối từ các nhà ngoại giao, chuyên gia, các chủ tịch ủy ban và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hong Kong," ông Chris Smith, Nghị sỹ đảng Cộng hòa ở New Jersey, nói.

42 2 My Thuc Day Dao Luat Ve Dan Chu Hong Kong Tq Tuc Gian

Joshua Wong và các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong tại Mỹ hôm 21/9/2019

"Tuy nhiên, lần này thì khác. Tình hình ở Hong Kong đã rất khác, và nhiều người ngày càng nhận thức được rằng, đã rất trễ để có một Hong Kong tự do và tự trị."

"Quốc hội Mỹ đang gửi một tuyên bố của lưỡng đảng và hai viện, ủng hộ những người biểu tình dân chủ ở Hong Kong trong khi nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh cần thực hiện các cam kết với thế giới và nhân dân Hong Kong trong tuyên bố Trung - Anh," ông Smith nói thêm.

Tuyên bố Trung-Anh, vốn được hai nước ký vào năm 1984, bảo đảm rằng Hong Kong sẽ được duy trì quyền tự trị cao trong 50 năm sau khi được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Vài giờ trước khi hai ủy ban đối ngoại Mỹ bỏ phiếu tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng, hiệp định năm 1984 không nên được sử dụng như một cái cớ để can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong.

Hôm 26/9, trang Xinhua của Trung Quốc cho hay, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ thông qua "cái gọi là Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong năm 2019, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào các vấn đề Hong Kong."

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói rằng "Đạo luật này hoàn toàn nhầm lẫn giữa đúng và sai, bất chấp sự thật, ủng hộ trơ tráo những kẻ bạo lực cực đoan ở Hong Kong và can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc."

"Tốc độ mà các dự luật đã các ủy ban thông qua cho thấy cam kết của các nhà lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ đối với Hong Kong và sự hỗ trợ ngày càng tăng từ các thành viên Quốc hội Mỹ ở cả hai đảng," ông Samuel Chu, giám đốc điều hành của Hội đồng Dân chủ Hong Kong có trụ sở tại Washington, cho biết trong một thông cáo.

"Chúng tôi hy vọng rằng Chủ tịch Hạ viện [Nancy] Pelosi và nhà lãnh đạo nhóm đa số tại Thượng viện [Mitch] McConnell sẽ giữ áp lực đối với chính phủ Trung Quốc và Hong Kong bằng cách nhanh chóng lên lịch bỏ phiếu cho Đạo luật này khi Quốc hội họp trở lại," ông Chu nói thêm.

Nguồn: BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC