Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thị sát công sự ở vùng Donetsk - Ảnh: Reuters
Về tổng thể, dự luật được thông qua hôm 20-4 này duyệt chi gần 61 tỉ USD cho Ukraine, hơn 26 tỉ USD cho Israel, và hơn 8 tỉ USD cho an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Dự luật này sẽ được gửi tới Thượng viện. Và nếu được thông qua, sớm nhất vào ngày 23-4, gói chi tiêu mới sẽ được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật. Trước đó, ông Biden từng hứa sẽ "ký ngay lập tức".
Mỹ hiểu tầm quan trọng của Ukraine
Trong số 61 tỉ USD trên, đáng chú ý có khoảng 23 tỉ USD sẽ được dùng để lấp đầy kho vũ khí của Mỹ, tức mở đường cho các đợt viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine.
Ngoài ra, 14 tỉ USD khác sẽ được rót vào Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine, trong đó Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ mua các hệ thống vũ khí tiên tiến mới cung cấp trực tiếp đến quân đội Ukraine từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Đây là hai trong số nhiều khoản chi tiêu Ukraine và các đồng minh của Mỹ kỳ vọng nhất, giữa bối cảnh chiến sự Ukraine - Nga kéo dài sang năm thứ ba với nhiều diễn biến bất lợi cho Kiev.
"Dự luật viện trợ quan trọng của Mỹ được Hạ viện thông qua hôm nay sẽ ngăn cuộc chiến không mở rộng, cứu lấy hàng ngàn, hàng ngàn sinh mạng và giúp cả hai nước chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn" - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên mạng xã hội X.
Về lý thuyết, Mỹ và phương Tây nhìn chung đều quyết tâm tìm kiếm một "chiến thắng" của Ukraine trước Nga. Họ cho rằng đây là kịch bản tốt nhất để ngăn Nga lấn thêm về phía Tây, "đe dọa" an ninh châu Âu.
Tâm lý này đã tác động lớn lên việc lưỡng đảng ở Mỹ buộc phải thông qua một gói viện trợ trước khi quá muộn.
Trong cuộc điều đình ở Đồi Capitol, Đảng Dân chủ đã tiến hành một số động tác hiếm hoi để giúp dự luật được thông qua bằng cách vượt qua những rào cản thủ tục quan trọng.
Kết quả này giúp Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson thoát được nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Phe Dân chủ lo rằng những nghị sĩ bảo thủ bên Đảng Cộng hòa sẽ tìm cách thay ông Johnson bằng một chủ tịch Hạ viện còn cứng rắn hơn nữa.
Dù vậy, dự luật cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều thành viên Đảng Cộng hòa. Kết quả biểu quyết thông qua gói viện trợ cho Ukraine ở Hạ viện là 311 phiếu ủng hộ và 112 phiếu chống.
Tất cả phiếu chống là từ Đảng Cộng hòa. Một số thành viên Cộng hòa phản đối mạnh mẽ việc viện trợ thêm cho Ukraine với lập luận rằng Mỹ không thể chi trả trong bối cảnh nợ công lên tới 34.000 tỉ USD.
Cảm ơn nước Mỹ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều dùng câu "Cảm ơn nước Mỹ" khi bình luận về dự luật viện trợ 95 tỉ USD vừa được Hạ viện Mỹ thông qua.
Giá trị tinh thần cho Ukraine
Trước mắt, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể chuyển vũ khí cho Ukraine trong vòng vài ngày một khi được Tổng thống Biden ký thành luật. Lầu Năm Góc có một mạng lưới các kho vũ khí tại Mỹ và châu Âu, vốn đang giữ số đạn dược và khí tài mà không quân Ukraine rất cần.
Tạp chí Newsweek lưu ý dự luật bao gồm việc chuyển giao hệ thống tên lửa ATACMS tầm xa, vốn từng được Ukraine sử dụng hồi tháng 10-2023.
Ngoài ra, theo một quan chức quân đội Mỹ, nước này có thể gửi một số loại đạn dược, ví dụ đạn 155mm, sang Ukraine "gần như ngay lập tức".
Truyền thông Mỹ trong ngày 20-4 mô tả sự lạc quan của Ukraine cho dự luật "lịch sử" này, nhấn mạnh giá trị tinh thần rất lớn vào giữa thời điểm Ukraine thất thế.
Ngoài ra một số ý kiến từ Ukraine cũng đánh giá cao chuyện được viện trợ, thay vì lo ngại về thực tế Ukraine đang quá lệ thuộc vào nước ngoài. Thậm chí một người Ukraine trả lời Đài CNN còn nhấn mạnh Ukraine không bị "bỏ rơi" trong lúc thế giới có nhiều điểm xung đột.
Với Ukraine, dự luật này cũng là một màn "mở khóa". Trước đây, những ý kiến phản đối việc viện trợ Ukraine thường xoáy vào lo ngại về bê bối, tham nhũng trong chính quyền Tổng thống Zelensky.
Việc Hạ viện quyết định ủng hộ viện trợ vì vậy là tín hiệu khởi đầu tốt. Nhưng điều này không đồng nghĩa câu hỏi trên đã được giải đáp.
Theo dự luật, các cơ quan liên bang Mỹ có 45 ngày từ lúc ban hành để trình ra chiến lược nhiều năm của Mỹ về việc có tiếp tục ủng hộ Ukraine hay không. Khoản này yêu cầu phải xây dựng "các mục tiêu cụ thể và có thể đạt được", cũng như "định nghĩa và ưu tiên lợi ích quốc gia của Mỹ".
Đây sẽ là một trong những áp lực không nhỏ cho năm 2024 nhiều khả năng mang tính quyết định của Ukraine. Điều khó khăn trong ngắn hạn sẽ là việc đạn dược có thể được chuyển ngay, nhưng hệ thống phòng không khó đến sớm. Ukraine vẫn chuẩn bị tinh thần cho một đợt tấn công lớn của Nga mùa hè này.
Nga phản ứng mạnh
Ngày 20-4, bình luận về gói viện trợ của Mỹ mới được Hạ viện thông qua, Bộ Ngoại giao Nga tố Mỹ sử dụng "chiến tranh lai" và sẽ thất bại như quá khứ, khẳng định việc này sẽ dẫn tới sự tàn phá và chết chóc nhiều hơn cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Truyền thông Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng gói viện trợ trên sẽ "khiến nước Mỹ giàu hơn, tàn phá Ukraine nhiều hơn, và dẫn tới cái chết của nhiều người Ukraine nữa", cũng như "sự sụp đổ" của Kiev.
Ngoài ra, Nga cũng phản đối điều khoản cho phép Mỹ tịch thu tài sản trừng phạt của Nga để chuyển cho Ukraine. Ông Peskov mô tả đây là hành động làm hoen ố hình ảnh nước Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa.
NHẬT ĐĂNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online