Dư luận thế giới đặc biệt quan tâm tới cuộc đối thoại quan chức cấp cao Mỹ - Trung Quốc tại Alaska - cuộc gặp quan trọng đầu tiên giữa hai nước dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden sau 4 năm quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất.

Trong hai ngày 18-19/3, lãnh đạo hàng đầu của ngành ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau tại thành phố Anchorage, bang Alaska miền cực Bắc nước Mỹ.

Đại diện Mỹ là Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, còn phía Trung Quốc là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị.

42 1 My Trung Hoi Dam Lon Ket Qua Be Va Nhung Thong Diep

Hội đàm Mỹ-Trung Quốc ở Alaska rất quan trọng không chỉ với 2 cường quốc hàng đầu mà còn với thế giới. (Nguồn: Reuters)

Hội đàm lớn, kết quả “bé”

Đây là cuộc hội đàm lớn, rất quan trọng, không chỉ với 2 cường quốc hàng đầu mà còn với thế giới. Quan trọng là bởi nó diễn ra khi mà quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào tình trạng xấu nhất trong thời gian qua. Thậm chí, có học giả cho rằng còn hơn cả chiến tranh lạnh.

Cuộc hội đàm không lớn về quy mô, số lượng người tham dự, nhưng lớn vì sự hiện diện, hội đàm trực tiếp 2+2 giữa 4 nhân vật cấp cao, đại diện cho chính sách đối ngoại, quan hệ quốc tế và an ninh quốc gia của Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc hội đàm lớn vì khối lượng nội dung 2 bên dự tính đưa ra đối thoại trong 3 phiên họp, 2 ngày. Kết quả hội đàm sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc gặp gỡ giữa người đứng đầu 2 nước dự kiến vào tháng 5 và gặp gỡ song phương bên lề Hội nghị nhóm 20 nền kinh tế lớn của thế giới (G20) dự kiến vào cuối năm.

Tất cả các yếu tố nói trên chứng tỏ đây là cuộc hội đàm lớn, rất quan trọng. Dù không chắc chắn, cộng đồng quốc tế vẫn hy vọng cuộc gặp mở ra một cánh cửa nào đó, khởi đầu cho những bước tiếp theo.

Nhưng hội đàm đã khép lại theo lịch trình mà không có tuyên bố chung, không đáp ứng nhu cầu của 2 bên là giảm bớt thiệt hại do trạng thái đối đầu căng thẳng.

Điều đọng lại là những cáo buộc, chỉ trích gay gắt, không khí căng thẳng. Như vậy, có thể nói kết quả hội đàm thấp, “bé” so với “cái vỏ lớn”. Hay nặng hơn, hội đàm đã không thành công.

Bình thường và không bình thường

Ngay buổi khai mạc, hai bên đã có những hành vi được cho là vượt ngoài thông lệ ngoại giao. Thời gian phát biểu mở đầu của phía Mỹ khoảng 4,5 phút, Trung Quốc gấp 4-5 lần (trong khi thống nhất mỗi người chỉ 2 phút).

Sau đó, 2 bên đáp trả qua lại trong 90 phút, trước sự chứng kiến của báo chí, điều không xảy ra trong các cuộc hội đàm bình thường. Thông lệ, phát biểu khai mạc dành cho báo chí đưa tin, còn nội dung chính, tranh luận để khi 2 bên ngồi riêng với nhau.

Hai bên đối chọi nảy lửa từng câu chữ. Mỹ nêu quan ngại về dân chủ, nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan thì Trung Quốc đáp trả nhân quyền ở Mỹ đang ở mức thấp nhất.

Mỹ nói Trung Quốc tiến công mạng, cưỡng bức kinh tế đồng minh của Washington, đe dọa trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế.

Trung Quốc lập tức chỉ trích Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự, tài chính, vấn đề an ninh quốc gia, an ninh biển để ép buộc các nước khác tấn công Trung Quốc, cản trở thương mại bình thường…

Những điều này 2 bên đã từng nói, không phải một lần. Nhưng không bình thường là ở không khí căng thẳng, cái cách chỉ trích trực diện, thẳng thừng, không xã giao, không cần che đậy trước báo chí, cũng tức là trước cộng đồng quốc tế.

Với động thái dàn xếp, chuẩn bị trước hội đàm và sự chờ đợi của cộng đồng quốc tế, thì không ra tuyên bố chung là điều đáng tiếc. Nhưng với những mâu thuẫn lớn, căng thẳng, phức tạp giữa 2 bên, thì việc không ra tuyên bố chung cũng đã được dự báo.

Trái ngược với không khí căng thẳng phiên khai mạc, phát biểu sau khi kết thúc của đại diện 2 bên dịu hơn, như muốn gỡ uy tín cho cuộc hội đàm cấp cao.

Phía Mỹ cho rằng 2 bên đã trao đổi trực tiếp, mạnh mẽ hàng loạt vấn đề quan tâm và có lợi ích đan xen trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran, Afganistan, biến đổi khí hậu…

Trung Quốc nói hội đàm thẳng thắn, xây dựng, có lợi, tuy vẫn còn những khác biệt. Hai bên cần điều chỉnh quan hệ theo quỹ đạo lành mạnh và ổn định trong tương lai.

Không ra thông báo chung nên cũng khó biết đầy đủ nội dung, kết quả hội đàm cụ thể. Nhưng bất kể kết quả thế nào, cuộc hội đàm cũng chứa đựng những thông điệp quan trọng.

42 2 My Trung Hoi Dam Lon Ket Qua Be Va Nhung Thong Diep

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan phát biểu tại họp báo sau hội đàm Mỹ-Trung tại Alaska ngày 19/3. (Nguồn: AFP)

Năm thông điệp

Một là, hội đàm mang tính “dò đường”, mỗi bên thể hiện trực diện, rõ ràng, mạnh mẽ các vấn đề quan tâm, quan ngại, quan điểm của mình, đo lường được bên kia muốn gì, mức độ ưu tiên trong chính sách đối ngoại, quan hệ quốc tế và ranh giới không thể nhượng bộ.

Đối với Mỹ, Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ XXI”, “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”. Mỹ tiếp tục khẳng định quan hệ 2 nước sẽ mang tính cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và thù địch khi buộc phải như vậy.

Mỹ không muốn đối đầu, nhưng bảo vệ nguyên tắc của mình. Nguyên tắc của Washinhton là Bắc Kinh không được cưỡng ép đồng minh của Mỹ, tôn trọng trật tự thế giới, khu vực được thiết lập dựa trên luật pháp quốc tế.

Mỹ không từ bỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận linh hoạt, đa phương, toàn diện hơn. Hãy chờ xem, cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden có hiệu quả hơn so với thời Tổng thống Donald Trump không?

Theo hãng BBC, sau khủng hoảng, Trung Quốc đang tìm cách định hình lại quan hệ với Mỹ. Trung Quốc nói hai bên cần xử lý quan hệ song phương theo hướng không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau.

Đồng thời, Bắc Kinh khẳng định kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích cốt lõi của quốc gia, sẵn sàng đáp trả mọi hành động can thiệp vào công việc nội bộ. Thông điệp mà Trung Quốc gửi tới Mỹ và đồng minh là đừng ảo tưởng, Bắc Kinh không dễ dàng xuống thang, nhượng bộ và thỏa hiệp.

Hai là, Mỹ và Trung Quốc có rất ít vấn đề có thể thống nhất. Không ai được lợi trong cuộc hội đàm cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc.

Lý do chủ yếu cuộc hội đàm không ra được tuyên bố chung là quan điểm cứng rắn, lập trường xa nhau, thậm chí đối lập nhau về nhiều vấn đề quan trọng. Dù sau cuộc hội đàm, cả 2 bên đều nhắc đến “cái được”, những điểm đan xen lợi ích và những hy vọng. Nhưng nó quá ít so với những bất đồng, cáo buộc lẫn nhau.

Dư luận quốc tế cho rằng 2 bên đã “thật lòng” thể hiện thái độ, quan điểm của mình. Cáo buộc, đáp trả căng thẳng, bỏ qua nghi lễ ngoại giao, làm cho hình ảnh đại diện của 2 cường quốc hàng đầu ít nhiều “phai nhạt”, để lại những ấn tượng không mấy thiện cảm trong cộng đồng quốc tế.

Với hai điều đó, các nhà chính trị, học giả cho rằng không ai được lợi trong cuộc hội đàm cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ba là, tương lai kênh đối thoại chiến lược Mỹ-Trung Quốc vẫn bỏ ngỏ.

Trước và sau hội đàm, quan chức Trung Quốc nói đây là kênh đối thoại chiến lược song phương, cần duy trì thường xuyên.

Điều đó cho thấy Bắc Kinh muốn điều chỉnh quan hệ song phương với Washington có lợi nhất, sau khi nó đã xuống quá thấp. Nhưng đó cũng là cách để Trung Quốc thể hiện với thế giới là họ thiện chí, coi trọng đối thoại.

Mỹ cho rằng đây là cuộc hội đàm “1 lần”, không phải là sự kiện khởi đầu cho một cơ chế đối thoại song phương mới, thường xuyên. Tiếp tục hay không còn tùy thuộc vào hành động thiết thực của Trung Quốc. Như vậy, tương lai vẫn bỏ ngỏ.

Bốn là, Mỹ tiếp tục khẳng định coi trọng củng cố quan hệ và sẵn sàng hợp tác bảo vệ đồng minh.

Trước hội đàm, Mỹ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lãnh đạo các nước Bộ tứ (Quad) và tiến hành đối thoại song phương cấp cao với các quốc gia thành viên và các đồng minh, đối tác khác.

Trong hội đàm, Mỹ cáo buộc Trung Quốc cưỡng bức kinh tế, đe dọa an ninh các đồng minh của Washinhton và đặt ra nguyên tắc bảo vệ lợi ích của các đồng minh. Sau hội đàm, Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại, hợp tác, diễn tập, thúc đẩy củng cố, mở rộng quan hệ với đồng minh, đối tác.

Động thái đó giúp Mỹ và đồng minh hiểu rõ hơn nhu cầu, mối quan tâm, quan điểm và khả năng, sự sẵn sàng hợp tác, hành động của nhau; tạo thành thế đối trọng có lợi, đối phó với các thách thức từ Trung Quốc.

Đồng thời, Washinhton gửi đến đồng minh, đối tác thông điệp nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden coi trọng liên kết, củng cố quan hệ và sẵn sàng hợp tác bảo vệ đồng minh.

Năm là, Trung Quốc sẽ chú trọng mở rộng, tăng cường quan hệ với các nước, các đối tác, nhất là Nga và ASEAN.

Người Trung Quốc có câu “thù của thù là bạn”. Thực tế và cuộc hội đàm khẳng định nước Mỹ thời Tổng thống Joe Biden tiếp tục gia tăng căng thẳng với cả Trung Quốc và Nga. Tình thế đó càng đẩy Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau, nhằm đối phó với thách thức từ Mỹ và đồng minh.

Cả lãnh đạo Trung Quốc và Nga đều nói đến việc tăng cường hợp tác giữa hai nước. Ngay sau hội đàm, truyền thông Trung Quốc đưa tin Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrob sẽ đến thăm Trung Quốc từ ngày 22-23/3, bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó chắc chắn có quan hệ của mỗi nước với Mỹ, nhằm bảo vệ tốt hơn lợi ích chiến lược của 2 nước.

Đó hẳn là thông điệp mà Bắc Kinh gửi đến Washington. Có điều, quan hệ giữa Trung Quốc và Nga còn không ít những “vật cản”, tuy không đến mức “đồng sàng dị mộng” nhưng trở thành đồng minh tin cậy, thành liên minh chiến lược còn xa lắm.

Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Biển Đông là một trọng điểm, ASEAN là đối tác rất quan trọng của Mỹ và đồng minh. Bắc Kinh nhiều lần chỉ trích Mỹ chia rẽ, cản trở quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN, gây bất ổn khu vực.

Đối sách của Trung Quốc là tăng cường quan hệ với ASEAN, với từng quốc gia thành viên. Trong đó, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, triển khai các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh” là ưu tiên, nhằm hạn chế sự can dự của các nước ngoài khu vực, không để Mỹ và đồng minh thiết lập mặt trận kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao, tranh chấp chủ quyền phức tạp ở Biển Đông và hành động cứng rắn của Trung Quốc làm không ít nước ASEAN lo ngại, nửa tin nửa ngờ. Các nước ASEAN chủ trương cân bằng quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, không muốn chọn bên. Nên tính toán của Trung Quốc cũng không dễ thực hiện, nếu Bắc Kinh không thay đổi chính sách, hành động.

***

Hội đàm cấp cao Mỹ - Trung Quốc đã khép lại để lại nhưng dư âm. Thông điệp của cuộc hội đàm đến từ chính phát ngôn, hành động của Mỹ, Trung Quốc và cũng có thể là nhận thức của cộng đồng quốc tế.

Mỹ và Trung Quốc là 2 cường quốc hàng đầu, tác động lớn đến tình hình thế giới, khu vực. Cộng đồng quốc tế không có lợi khi xảy ra xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc. Hội đàm là diễn đàn để 2 bên thể hiện quan điểm của mình. Nhưng mỗi tuyên bố cũng ẩn chứa những hàm ý ngoài ngôn từ. Hơn nữa, nói là một chuyện, hành động lại là chuyện khác.

Trong hội đàm, Mỹ và Trung Quốc đặt ra yêu cầu đối với nhau là: tôn trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia, luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ, không cưỡng đoạt, cưỡng chiếm…

Đức Khổng Tử khuyên “điều gì mình không muốn, đừng làm cho người khác”. Còn Chúa Jesus dạy “tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình thì chính các con hãy làm cho người ta như thế”.

Mong Mỹ và Trung Quốc thực hiện đúng các yêu cầu họ đòi hỏi, đối với tất cả các quốc gia khác. Điều quan trọng nhất, cộng đồng quốc tế trông chờ 2 cường quốc hàng đầu kiềm chế, hành động vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của thế giới, khu vực.

Vũ Đăng Minh

Nguồn: baoquocte.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC