Theo Asia Times, NATO đang bắt đầu triển khai quân chiến đấu tới Ukraine. Binh sĩ từ Ba Lan, Pháp, Anh, Phần Lan và các thành viên NATO khác đang đến Ukraine với số lượng lớn hơn.
Mặc dù Nga cho biết có hơn 3.100 lính đánh thuê ở Ukraine, nhưng những đội quân mới đến này không phải là lính đánh thuê. Họ mặc đồng phục, quốc gia của họ được ghi trên phù hiệu. Họ chủ yếu tập trung ở phía tây Ukraine, mặc dù trong một số trường hợp, họ ở gần khu vực giao tranh thực sự ở phía đông.
NATO đưa ra thông báo rằng đây không phải là binh lính chiến đấu, mà họ xuất hiện ở Ukraine để vận hành các khí tài phức tạp của phương Tây. Nhưng nếu họ nổ súng vào phía lực lượng Nga, lời giải thích phù hợp duy nhất để lý giải cho sự hiện diện này là họ đang đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến ở Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder ngày 26/4 cho biết bất kỳ cố vấn quân sự bổ sung nào của Mỹ, nếu được cử tới Ukraine, sẽ không được triển khai gần tiền tuyến.
"Họ chỉ đóng vai trò cố vấn. Họ chỉ chiếm con số rất nhỏ. Mỹ không có ý định tiến hành các hoạt động chiến đấu bên trong lãnh thổ Ukraine, cũng như các lực lượng này sẽ không có mặt ở bất kỳ đâu gần tiền tuyến", người phát ngôn nêu rõ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng họ phản đối việc gửi binh lính NATO đến Ukraine. Tuy nhiên, ông Biden có thể đang chờ tái đắc cử trước khi ra lệnh cho lính Mỹ chiến đấu ở Ukraine.
Việc thông qua dự luật viện trợ trị giá 60 tỷ USD gần đây cho Ukraine là tín hiệu cho thấy, Quốc hội Mỹ sẽ làm theo bất cứ điều gì mà chính quyền Biden muốn thực hiện để "chống lại Nga".
Trong khi đó, theo Asia Times, NATO được cho là vẫn "lép vế" hơn Nga về vũ khí, nhân lực và sức mạnh công nghiệp. Hơn nữa, kho dự trữ vũ khí của NATO cũng thấp và các thiết bị quốc phòng đã được gửi đến Ukraine, khiến lực lượng phòng thủ của NATO đang bị thiếu hụt.
Một báo cáo về việc đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16 cũng được hé lộ.
Theo một số sĩ quan phương Tây hợp tác với Ukraine, tiến trình huấn luyện phi công Ukraine lái F-16 vẫn chưa thành công sau một năm thực hiện. Rào cản ngôn ngữ và việc các phi công không quen với các hệ thống và chiến thuật tác chiến của phương Tây đã làm chậm quá trình huấn luyện.
Để tránh kịch bản bất lợi, kế hoạch của NATO dường như nhằm lấp đầy những khoảng trống trong lực lượng Ukraine bằng cách đưa các "cố vấn" quân sự tới Ukraine, chờ đợi Mỹ đưa binh lính tham chiến sau cuộc bầu cử vào tháng 11. Nga biết điều này và đang chạy đua nhằm cố gắng đánh bại quân đội Ukraine trước khi Tổng thống Biden trở lại nắm quyền.
Tây Ban Nha đã đồng ý cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine trước áp lực từ NATO và EU
Đổi lại các nước châu Âu khác đang sở hữu hệ thống Patriot sẽ cung cấp cho Kyiv để giúp Ukraine phòng thủ trước các cuộc không kích tàn bạo của Nga.
Nếu quân xâm lược Nga thành công, một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở châu Âu sẽ tránh được. Nếu không, với sự tham gia của lực lượng Mỹ, châu Âu có nguy cơ rơi vào Thế chiến ba, theo Asia Times.
Nga không mạnh như họ muốn
Cựu Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, nhà ngoại giao kỳ cựu Valery Chaly trấn an một số quốc gia phương Tây vẫn tiếp tục một số loại quan hệ với Liên bang Nga, rằng "Nga không mạnh như họ muốn".
Bằng chứng là Ukraine đã đứng vững bất chấp Nga chuẩn bị cho chiến tranh và tích lũy vũ khí từ lâu, trong khi Ukraine và phương Tây mất cảnh giác, giải giáp kho vũ khí của mình.
Ông tin rằng năm 2024 có thể là năm “cuối cùng” cho vấn đề này, bởi các đồng minh đã có nhiều thời gian để chuẩn bị và Ukraine cũng sẽ tái khởi động sản xuất tên lửa, tên lửa tầm xa với số lượng lớn với khả năng vốn có của một cường quốc vũ khí.
Chaly tin rằng Ukraine sẽ xây dựng chiến lược theo cách mà năm tới, Ukraine sẽ “không lo lắng quá nhiều về các đối tác của mình mà chủ yếu dựa vào sức mạnh của chính mình”.
Theo Asia Times