Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) trong cuộc họp nội các chiến tranh ngày 14-4 - Ảnh: AFP
Cuộc không kích này nhằm đáp trả vụ Israel tấn công vào Tổng lãnh sự quán Iran tại Syria vào ngày 1-4, vi phạm độc lập và chủ quyền của Iran, bởi vì theo luật pháp quốc tế và Công ước Vienna, cơ quan ngoại giao được coi là lãnh thổ của các nước, hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và bất khả xâm phạm.
Cuộc tấn công của Iran xét về quy mô thì thấy vô cùng ác liệt với hàng trăm tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái được phóng đi từ Iran.
Tuy nhiên, nếu để ý một chút, Iran đã chọn ngày nghỉ cuối tuần và ban đêm, khi rất ít người ra khỏi nhà, để tấn công nhằm giảm thiểu thương vong.
Mặt khác, cuộc tấn công của Iran chủ yếu nhằm vào các khu vực thưa dân cư như sa mạc Negeb, cao nguyên Golan... cũng nhằm tránh thiệt hại cho dân thường.
Cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng chiến tranh và nội các Israel dưới sự chủ trì của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuy tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ Tehran nhưng chủ yếu tập trung bàn các biện pháp đối phó với cuộc tấn công của Iran.
Mỹ, đồng minh chiến lược của Israel, cũng chỉ tuyên bố ủng hộ Israel tự vệ. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu sau cuộc tấn công của Iran, Tổng thống Joe Biden khẳng định ủng hộ mạnh mẽ Israel nhưng đồng thời bày tỏ mong muốn giải quyết cuộc xung đột bằng các biện pháp ngoại giao.
Một cuộc chiến mới bùng nổ giữa Tel Aviv và Tehran sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu ủng hộ của cử tri Mỹ đối với ông Biden - người đang có tham vọng ở Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Trong khi đó, các nước phương Tây tuy lên án cuộc tấn công của Iran nhưng cũng không muốn tình hình bùng nổ, leo thang hơn nữa. Nga, Trung Quốc, các nước Ả Rập và nhiều nước khác trong cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại, kêu gọi Israel và Iran kiềm chế, tránh để tình hình leo thang hơn nữa.
Một cuộc chiến tranh tổng lực sẽ đẩy khu vực Trung Đông vốn đang hết sức căng thẳng và lan rộng do cuộc chiến tại Dải Gaza vào một vòng xoáy bạo lực mới nguy hiểm, không ai mong muốn.
Tel Aviv không thể cùng một lúc chiến đấu trên nhiều mặt trận. Còn Tehran đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, một cuộc chiến tranh với Israel sẽ đẩy Iran vào tình thế vốn đã hết sức khó khăn càng khó khăn hơn nữa.
Iran tấn công Israel với mục tiêu chính không phải muốn gây xung đột với Nhà nước Do Thái mà là để cảnh báo Israel không được tái diễn các hành động tương tự đánh vào các cơ quan ngoại giao và lợi ích của Iran nữa, đồng thời để thể hiện sức mạnh quân sự của Iran, vai trò của Iran không thể thiếu được ở khu vực cũng như trên thế giới.
Trên thực tế, Iran đã tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự và sau đợt tấn công vừa qua đến nay không bắn thêm quả tên lửa và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel nữa. Israel tuyên bố sẽ đáp trả khốc liệt nhưng đến nay vẫn chưa có hành động gì cụ thể.
Cộng đồng quốc tế đã quá mệt mỏi với cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas. Một cuộc chiến Israel - Iran nếu xảy ra sẽ không chỉ ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông mà còn tác động tiêu cực đến toàn bộ tình hình chính trị, kinh tế trên cấp độ toàn cầu.
NGUYỄN QUANG KHAI (NGUYÊN ĐẠI SỨ VIỆT NAM TẠI TRUNG ĐÔNG)
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online