Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong thông điệp video đăng trên website Bộ Ngoại giao Nga nhân dịp kỷ niệm 60 năm chuyến bay của phi hành gia Yuri Gagarin lên vũ trụ, đã kêu gọi việc ngừng vũ khí hóa không gian vũ trụ.
Nga muốn ngăn chặn vũ khí hóa không gian từ sớm.
Ông nhấn mạnh Nga ủng hộ việc bắt đầu đàm phán để lập ra một công cụ quốc tế về cấm triển khai bất kỳ loại vũ khí nào trong vũ trụ.
“Chúng tôi nhất quán tin rằng, chỉ có ngăn chặn được cuộc chạy đua vũ trang trong vũ trụ thì mới có thể đảm bảo sử dụng nó cho các mục đích xây dựng, phục vụ lợi ích của cả nhân loại" - Ngoại trưởng Nga nói.
Theo đó, Nga đề nghị dự thảo hiệp ước Nga - Trung Quốc được đưa ra tại hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva năm 2014 được đề xuất lấy làm cơ sở. Trong khi tài liệu đang được hoàn thiện, Nga đưa ra một sáng kiến để ổn định tình hình, theo đó các nước cam kết mình sẽ không là nước đầu tiên triển khai vũ khí trong vũ trụ.
Ông Lavrov cho biết, đã có 30 nước đã ủng hộ sáng kiến này và đây là một nỗ lực nữa cho Moscow cho thấy họ ủng hộ việc tất cả các cường quốc vũ trụ ký kết một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý cấm quân sự hóa không gian vũ trụ.
Ngoại trưởng Lavrov cũng nhấn mạnh, hợp tác không gian vẫn nên là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của chương trình nghị sự quốc tế.
"Trong những thập kỷ qua, Nga, với tư cách là nước đi đầu trong lĩnh vực khám phá không gian, đã hỗ trợ một số quốc gia trong việc đưa các phi hành gia vào vũ trụ" - Ngoại trưởng Nga nói và nhấn mạnh rằng, Yuri Gagarin của Nga - người đầu tiên bay vào vũ trụ - đã đóng góp to lớn vào sự phát triển của loài người và chứng tỏ khả năng của người Nga trong việc giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ khó khăn nhất trong tầm tay.
Vào tháng 5 năm ngoái, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, Mỹ với sự hỗ trợ của các đồng minh và NATO đang cố gắng biến không gian thành phạm vi hoạt động quân sự và những vụ đụng độ có thể xảy ra giữa các nước. Theo ông, Nga thực sự quan ngại về các kế hoạch của Mỹ và liên tục lên tiếng ủng hộ nghị quyết ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ tại nhiều diễn đàn khác nhau, trong đó có hội nghị giải trừ quân bị tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Nỗi lo của Nga là có thực. Đầu tháng 3 vừa qua, Pháp đã cùng các đồng minh Mỹ và Đức bắt đầu tiến hành cuộc tập trận đầu tiên trên không gian vũ trụ để kiểm chứng năng lực bảo vệ các vệ tinh của nước này. Động thái của Paris được đánh giá là một dấu hiệu cho thấy cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các cường quốc thế giới trên quỹ đạo Trái Đất.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không gian mới được thành lập của Pháp - ông Michel Friedling cho biết cuộc tập trận mang bí danh “AsterX” được tổ chức từ ngày 8-12/3 là “cuộc kiểm tra bắt buộc đối với các hệ thống của chúng tôi” và đây là cuộc tập trận đầu tiên của quân đội Pháp, thậm chí là lần đầu tiên ở châu Âu.
Pháp tổ chức cuộc tập trận không gian vũ trụ đầu tiên trong tháng 3. Ảnh minh họa :NASA
AsterX được đặt theo tên “Asterix” - vệ tinh đầu tiên mà Pháp phóng lên vũ trụ từ năm 1965.
Cuộc tập trận sẽ giả lập hoạt động kiểm soát một vật thể nguy hiểm tiềm tàng trong vũ trụ, cũng như một mối đe dọa đối với một vệ tinh. Tham gia cuộc tập trận của Pháp còn có Lực lượng Không gian Mỹ và các cơ quan không gian của Đức.
Trao đổi với các phóng viên tại trụ sở Bộ Tư lệnh Không gian ở thành phố Toulouse, ông Friedling cho biết: “Một loạt các sự việc xuất hiện và tạo ra các tình huống khủng hoảng hoặc các mối đe dọa chống lại cơ sở hạ tầng không gian của chúng tôi”.
Pháp thành lập Bộ Chỉ huy Không gian vào năm 2019 và đặt mục tiêu nâng tổng số nhân viên lên 500 người vào năm 2025. Ngày 24/7/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Paris sẽ chi thêm hàng trăm triệu euro cho chương trình Lực lượng Vũ trụ mới.
Tại thời điểm thành lập, Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cho biết: "Các đồng minh và kẻ thù của chúng ta là không gian quân sự hóa ... chúng ta cần phải hành động". Bà nói rằng Pháp đã lên kế hoạch phát triển vũ khí laser chống vệ tinh và khả năng giám sát mới để thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Năm 2018, Pháp đã cáo buộc Nga cố gắng chặn đường truyền từ vệ tinh Pháp-Ý được quân đội hai nước sử dụng để liên lạc an toàn.
Vệ tinh Louch-Olymp của Nga bị cáo buộc đã tiếp cận vệ tinh Athena-Fidus. Giới chức trách Pháp gọi đây là "một hành động gián điệp".
Hải Lâm
Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn