Đối với cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, ngày 22/03/2024 có thể là một cái mốc. Điện Kremlin lần đầu tiên sử dụng từ ‘‘chiến tranh’’, từ ngữ vốn bị nghiêm cấm kể từ khi Matxcơva khởi sự cuộc chiến với tên gọi chính thức là ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’. Giới quan sát lo ngại đây là dấu hiệu báo trước việc Nga sẽ ban bố lệnh ‘‘tổng động viên’’, huy động thêm quân cho cuộc chiến chống Ukraina.
Ảnh minh họa : Chế độ Putin tạo dựng hình ảnh nước Nga nạn nhân của chiến tranh do phương Tây phát động. © Studio Graphique France Média Monde
Ít giờ sau tuyên bố nói trên, một nhà hát ở ngoại ô thủ đô nước Nga bị tấn công, khiến hơn 140 người chết.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận đứng sau vụ khủng bố nhưng Matxcơva tìm mọi cách đẩy trách nhiệm về phía Ukraina và phương Tây. Ngoại trưởng Ukraina công du New Delhi nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Ấn Độ.
***
Vụ khủng bố kinh hoàng nhắm vào nhà hát Crocus có phần làm lu mờ một diễn biến đáng chú ý khác trước đó ít giờ.
Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, nhắc đến việc đất nước ‘‘đang trong tình trạng chiến tranh’’ trong hai cuộc trả lời báo giới. Ông Peskov nhấn mạnh, ‘‘về mặt chính thức’’, cuộc chiến tại Ukraina ‘‘vẫn là chiến dịch đặc biệt, nhưng về mặt thực tế, đây đã là một cuộc chiến tranh’’.
Ngôn từ lắt léo : ‘‘Chiến tranh’’ là phi nghĩa, ‘‘chiến dịch quân sự’’ là chính nghĩa
Vì sao với Matxcơva, phân biệt ‘‘chiến tranh’’ với ‘‘chiến dịch đặc biệt’’ lại quan trọng ? Từ ‘‘chiến tranh’’ vốn là từ bị cấm dùng để chỉ cuộc xâm lăng. Người phạm luật có thể bị phạt tới 15 năm tù. Tính đến tháng 1/2024 vừa qua, tổng cộng đã có 350 người bị truy tố. Báo chí Pháp tìm cách giải mã những lắt léo về ngôn từ trong các tuyên bố của Matxcơva.
Theo Le Figaro, trên thực tế, từ ngữ ‘‘chiến tranh’’ vốn đã được nhiều lãnh đạo cao cấp Nga sử dụng, nhưng không phải là để gọi tên cuộc chiến xâm lăng của Nga chống Ukraina, mà để lên án cuộc chiến của phương Tây chống Nga tại Ukraina.
Trong thông điệp Liên bang hôm 29/02/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "chúng ta không gây chiến tại vùng Donbass, nhưng chúng ta nhất định làm tất cả để chấm dứt nó’’. Nói tóm lại, Nga không phải là thủ phạm mà là nạn nhân. Và với Matxcơva, "chiến dịch quân sự đặc biệt’’ là cuộc chiến chính nghĩa trong phạm vi hạn chế để đáp trả cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Cổ vũ cho ‘‘tình trạng chiến tranh’’ : Nhà cầm quyền rảnh tay hơn
Vì sao điện Kremlin đưa ra tuyên bố lúc này ? Theo Le Figaro, thông điệp này rõ ràng là hướng đến phương Tây, như lời giải thích của phát ngôn viên Peskov, ‘‘một khi tất cả các nước phương Tây đứng về phía Ukraina, thì đối với chúng ta, đây là một cuộc chiến tranh’’. Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra sau khi các nước châu Âu khẳng định đoàn kết sát cánh với Kiev, nước Pháp tuyên bố không loại trừ khả năng phương Tây gửi quân hỗ trợ Ukraina.
Điều đáng chú ý là sau tuyên bố của Peskov, người dân Nga chắc chắn vẫn bị cấm sử dụng từ ‘‘chiến tranh’’, nhưng nhà cầm quyền Nga sẽ rảnh tay hơn nhiều trong việc mở rộng tuyên truyền để huy động dân chúng.
Phát ngôn ngôn viên nói đến ‘‘chiến tranh’’ là nhằm thuyết phục người dân hành động theo đòi hỏi của chế độ. Phát ngôn viên điện Kremlin huấn thị: ‘‘Mỗi người phải hiểu điều này có ý nghĩa gì để chủ động tham gia’’.
Thông điệp của phát ngôn viên Peskov gợi nhắc đến một đợt động viên lớn lần thứ hai (tiếp theo đợt động viên hơn 300.000 người Nga hồi tháng 9/2022). Theo chuyên gia về chiến tranh Ukraina, Huseyn Aliyev, Đại học Glasgow, Anh Quốc, được đài France 24 dẫn lời, ‘‘chiến dịch đặc biệt’’ đồng nghĩa với một cuộc chiến xa xôi, ít ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của dân Nga. Với tuyên bố ‘‘có chiến tranh’’, điện Kremlin rõ ràng muốn lôi cuốn toàn dân Nga vào cuộc.
Kích động dân Nga thù hận phương Tây : Mưu đồ của điện Kremlin
Ông Jeff Hawn, trường London School of Economics, nhấn mạnh phát biểu này là ‘‘một giai đoạn quan trọng trong việc xây dựng diễn ngôn tuyên truyền cho cuộc chiến (của Nga) chống phương Tây nói chung, và trong đó Ukraina chỉ là một chiến trường’’. Giới quan sát chú ý đến việc hai ngày trước tuyên bố của Peskov, bộ Quốc Phòng Nga thông báo thành lập hai tập đoàn quân mới, với quân số ước tính 200.000 người.
Chế độ Putin dường như đã thành công trong việc khiến một bộ phận người Nga tin rằng có bàn tay của Ukraina trong vụ khủng bố. AFP dẫn lời nhà đạo diễn 29 tuổi, Ivan Marnitch, có một người bạn bị khủng bố giết hại, cho rằng ‘‘phải có người Ukraina, có một tài phiệt Ukraina’’ đằng sau những chuyện này.
Mẹ của Ivan, bà Elena Marnitch, 65 tuổi, cho rằng kẻ chủ mưu chính là Ukraina, và việc các thủ phạm trực tiếp là dân Trung Á Tadjikistan, chỉ là nhằm để dễ bề quy tội cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Trong lúc tổng thống Nga liên tục tìm cách để hướng nghi ngờ về việc những kẻ khủng bố có căn cứ tại Ukraina, ngày 26/03, đích thân lãnh đạo cơ quan an ninh Nga FSB, Alexandre Bortnikov, trực tiếp đưa ra phỏng đoán là ‘‘Ukraina và phương Tây’’ đã tạo điều kiện cho vụ khủng bố. Cả lãnh đạo tình báo Nga Nikolai Patrouchev cũng nhấn mạnh thủ phạm ‘‘chắc chắn’’ là Ukraina, cho dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
‘‘Quân sự hóa toàn dân’’
Vụ khủng bố nhà hát Crocus có nguy cơ trở thành một tác nhân ‘‘giúp’’ chế độ Putin kích động tình cảm hận thù, kích động người Nga đối đầu với Ukraina và với phương Tây nói chung. Một số nhà quan sát cũng chú ý đến phát biểu của người được mệnh danh là ‘‘bộ não’’ của chế độ Putin, Aleksandr Dugin, đưa ra ít ngày trước tuyên bố đất nước ‘‘có chiến tranh’’, kêu gọi ‘‘quân sự hóa’’ toàn bộ xã hội Nga, từ kinh tế đến giáo dục, tư tưởng, để bảo đảm giành chiến thắng. Quan điểm được hãng tin nhà nước Nga Novosti đăng tải. Không cần đợi đến vụ khủng bố, chế độ Putin đã sẵn sàng cho việc tăng tốc quân sự hóa nước Nga.
Không chỉ ‘‘bộ não’’ của Putin nói đến việc ‘‘quân sự hóa toàn dân’’.
Những nhà nghiên cứu làm việc trong các cơ sở nghiên cứu gọi là độc lập ở Nga, như ông Rouslan Poukhov, một chuyên gia về quân sự, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Pháp, hôm 29/03, cũng khẳng định truyền thống từ dăm bảy thế kỷ nay của nước Nga, từ Ivan Đại đế cho đến chế độ cộng sản Xô Viết, cũng như nước Nga hiện nay, là ‘‘huy động toàn lực cho chiến tranh nếu cần, về quân sự, kinh tế, cũng như văn hóa’’, ‘‘để đặt đối phương trước lựa chọn, hoặc trả giá vô cùng lớn, hoặc phải chấp nhận thỏa hiệp với Nga’’.
Trọng Thành
Nguồn: RFI