"Chúng ta đã quá tự tin, phấn chấn tinh thần sau khi đợt dịch đầu tiên được ngăn chặn thành công, nhưng cơn bão lần này đã làm rung chuyển cả đất nước", Thủ tướng Narendra Modi nói trong một bài phát biểu trên đài phát thanh hôm nay 25/4.
Thủ tướng Modi cũng kêu gọi tất cả người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và đề cao cảnh giác.
Số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ tiếp tục tăng thêm 349.691 trường hợp trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục thế giới.
2.767 người đã tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết tại quốc gia Nam Á lên 192.311 trường hợp. Tính đến nay, Ấn Độ trở thành vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ, với 16,96 triệu người nhiễm.
Chỉ trong một tháng qua, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Ấn Độ đã tăng gấp 8 lần và số ca tử vong tăng gấp 10 lần. Các chuyên gia y tế cho biết số người chết trên thực tế còn cao hơn nhiều so với con số công bố chính thức.
Chính phủ của Thủ tướng Modi đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì để mất cảnh giác, cho phép các cuộc tụ tập tôn giáo và chính trị lớn diễn ra sau khi số người mắc Covid-19 ở Ấn Độ giảm mạnh xuống dưới 10.000 ca mỗi ngày, đồng thời không có kế hoạch xây dựng hệ thống y tế để đối phó với dịch bệnh.
Các bệnh viện và bác sĩ ở Ấn Độ đã đưa ra thông báo khẩn cấp rằng, họ không thể đối phó với tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện. Các bệnh viện ở New Delhi và khắp cả nước đang phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì thiếu ôxy và giường bệnh.
Giàn thiêu nạn nhân Covid-19 tập thể tại Ấn Độ (Ảnh: AP).
Thủ hiến New Delhi, Arvind Kejriwal, đã gia hạn lệnh phong tỏa ở thủ đô thêm một tuần để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của vi rút. Tại New Delhi, ước tính cứ 4 phút lại có một người chết vì Covid-19.
"Phong tỏa là vũ khí cuối cùng để đối phó dịch bệnh, nhưng với số ca nhiễm tăng quá nhanh, chúng tôi buộc phải làm như vậy", ông Arvind cho biết.
Chính phủ Mỹ cho biết Washington vô cùng lo ngại trước sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ và cấp tốc gửi viện trợ cho nước này.
"Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác của mình trong chính phủ Ấn Độ và chúng tôi sẽ nhanh chóng triển khai thêm sự hỗ trợ cho người dân Ấn Độ và hệ thống y tế", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.
Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown (Mỹ), cảnh báo đất nước 1,3 tỷ dân đang đứng trên bờ vực của thảm họa nhân đạo.
Mỹ từng vấp phải sự chỉ trích từ Ấn Độ vì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu thô cho hoạt động sản xuất vắc xin theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng.
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, trong tháng này đã hối thúc Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với việc xuất khẩu nguyên liệu thô của Mỹ vì ảnh hưởng đến việc sản xuất vắc xin AstraZeneca của Ấn Độ.
Nghị sĩ Mỹ Raja Krishnamoorthi cũng hối thúc chính quyền Biden cấp số vắc xin chưa sử dụng cho Ấn Độ.
"Khi người dân ở Ấn Độ và các nơi khác rất cần sự giúp đỡ, chúng ta không thể để vắc xin nằm trong nhà kho, chúng ta cần đưa chúng đến nơi mà chúng sẽ cứu sống mạng người", ông Raja nói.
Thành Đạt
Theo Reuters
Nguồn: Báo điện tử Dân trí