Người dân Thái Lan đeo khẩu trang trên đường phố Bangkok vào tháng 1-2021 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters ngày 5-4, người dân Thái Lan là những người vay nợ nhiều nhất châu Á, lên đến 14.000 tỉ baht, khoảng 446 tỉ USD và tương đương 89% GDP, tính đến cuối tháng 12-2020. Đây cũng là mức nợ cao nhất ở nước này kể từ năm 2003. Năm 2017, khoản nợ này là 78% GDP.
Tình hình kinh tế khó khăn đang khiến nhiều người không thể trả nổi nợ. "Tôi đang nợ nần chồng chất và không biết phải làm gì", chị Jamras Kongchai, một nông dân ở tỉnh Kamphaeng Phet, nói.
Chị Kongchai vay khoảng 16.000 USD nhưng hầu như chỉ có thể trả tiền lãi trong nhiều năm qua. Năm nay số tiền chị kiếm được từ việc trồng lúa gạo không đủ để trả khoảng 1.300 USD tiền lãi.
Kongchai là một trong số nhiều nông dân đổ lên thủ đô Bangkok mới đây để tuần hành, yêu cầu chính phủ giúp giảm bớt nợ. Những cuộc biểu tình như vậy cũng gây sức ép lên chính quyền Thái Lan vốn cũng đang vật lộn tìm cách khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19.
Nợ quá cao có thể gây bất ổn nền tài chính, cản trở tiêu dùng và hồi phục kinh tế ở Thái Lan. Năm ngoái, nền kinh tế nước này sụt giảm mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ do xuất khẩu và du lịch lao đao.
"Mức nợ này trên mức có thể gây tác động lớn đến GDP và chi tiêu của hộ gia đình", Yunyong Thaicharoen, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Siam Commercial, cho biết và dự đoán tỉ lệ nợ có thể đạt đỉnh 90-91% GDP trong quý đầu tiên 2021.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết dịch COVID-19 gây thêm áp lực lên các doanh nghiệp, hộ gia đình và cắt giảm triển vọng tăng trưởng GDP năm nay từ 3,2% xuống còn 3%. Theo cơ quan này, kinh tế Thái Lan chỉ có thể quay trở về mức như trước đại dịch từ giữa năm 2022.
Trong khi đó, chính phủ đã hứa rót khoảng 32 tỉ USD để giải cứu kinh tế sau dịch, tuy nhiên một số người nói rằng việc cứu trợ không được triển khai đủ nhanh. Năm ngoái, một phụ nữ đã uống thuốc diệt chuột ngay bên ngoài Bộ Tài chính để phản đối việc ứng phó dịch chậm chạp.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online