Gia đình Fatima đã nhiều lần thoát chết trong 9 năm nội chiến, nhưng họ không thể chạy trốn khỏi đại dịch toàn cầu. COVID-19 đang hướng tới tỉnh Idlib như một "cơn sóng thần di chuyển chậm", theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới.

42 1 Nguoi Ti Nan Idlib Syria Tay Khong Truoc Con  Song Than Covid 19

Trẻ em tại Binnish, Idlib. Ảnh tư liệu: AFP/Getty Images

Tất cả những gì Fatima Um Ali cần để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đều nằm ngoài khả năng của cô. Không có nước máy, xà phòng thì đắt, còn nước khử trùng tay là một thứ xa xỉ không thể chối cãi. Fatima thậm chí không thể tưởng tượng sẽ “giãn cách xã hội” thế nào khi cả gia đình 16 người của cô sống trong 3 túp lều của một trại tị nạn tạm bợ gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

“Chúng tôi sẽ cố gắng giữ sạch trong khả năng hạn chế của mình. Tất cả những chất khử trùng, làm sạch mà các bạn đang nói đến, chúng tôi không thể có được”, Fatima nói với phóng viên CNN.

Nơi gia đình Fatima nương náu là một trong nhiều trại tị nạn mọc lúp xúp trên các cánh đồng, những vườn ô liu hay những ngọn đồi thoai thoải ở tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của phiến quân Syria. Hầu hết trẻ em ở đây đều bị sổ mũi do điều kiện sống khắc nghiệt.

Gia đình họ đã nhiều lần thoát chết trong suốt cuộc xung đột kéo dài 9 năm ở Syria. Họ chạy trốn khỏi các cuộc tấn công ở tỉnh Hama khi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2011, rồi cứ thế di chuyển từ thị trấn này sang thị trấn khác khi chiến tranh kéo dài.

Nhưng họ không thể chạy trốn khỏi đại dịch toàn cầu. COVID-19 đang hướng tới tỉnh Idlib bị chiến tranh tàn phá như một "cơn sóng thần di chuyển chậm", theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, và có thể cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng.

42 2 Nguoi Ti Nan Idlib Syria Tay Khong Truoc Con  Song Than Covid 19

Thoát chết trong cuộc chiến, nhưng khi hầu như không có nước sạch hay bất kỳ dụng cụ vệ sinh nào, gia đình Fatima sẽ chật vật để thoát khỏi virus SARS-CoV-2. Ảnh: CNN

3 triệu người dân của tỉnh Idlib, vốn đã oằn mình trong tình cảnh thiếu thực phẩm, thuốc men, giờ đang được coi là một trong những cộng đồng không được phòng vệ nhất trên thế giới trước COVID-19.

Các cơ sở y tế ở Idlib bị phá hủy nhiều trong các cuộc không kích suốt những năm qua. Các bác sĩ đã quá căng thẳng và giường bệnh thì thiếu. Chiến dịch tấn công phiến quân của quân đội chính phủ Syria và Không quân Nga, từ tháng 12/2019 càng gây thêm áp lực đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Làn sóng tấn công mới nhất đã khiến gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, lao vào dòng người đang nhồi nhét ở các trại tị nạn ngổn ngang, thiếu thốn và mất vệ sinh.

Bác sĩ Munther Khalil, làm việc tại Cục Y tế Idlib (IHD - thuộc phe đối lập) cho biết, cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể lên đến đỉnh điểm khi dịch COVID-19 tràn đến Tây Bắc Syria. "Chúng tôi không biết liệu có ai mắc COVID chưa, nhưng chúng tôi lo ngại một cơn ‘sóng thần’ sẽ kéo theo nhiều người tử vong vì thiếu cơ sở y tế”, ông Khalil nói.

42 3 Nguoi Ti Nan Idlib Syria Tay Khong Truoc Con  Song Than Covid 19

Tiến sĩ Mohammed Shahem Makki là người duy nhất ở các vùng do phiến quân Syria kiểm soát có thể thực hiện các xét nghiệm COVID-19. Ảnh: CNN

Ngành y tế đang nâng cao nhận thức về các yêu cầu vệ sinh, nhưng điều này thật khó với những người dân Syria quay cuồng vì ảnh hưởng của chiến tranh. "Họ đã trải qua bom đạn, lạnh giá đến chết, vì vậy họ đã cam chịu cái chết", bác sĩ Khalil nói.

Idlib chỉ có 1,4 bác sĩ trên 10.000 dân, theo IHD. Các bệnh viện đã hoạt động quá tải, với tỷ lệ lấp đầy trung bình 150%. Chỉ có khoảng 100 máy thở dành cho người lớn ở các khu vực do phe đối lập Syria kiểm soát, bao gồm Idlib và vùng nông thôn của các tỉnh lân cận, và không đầy 200 giường bệnh. Bác sĩ Khalil cảnh báo, khi dịch COVID-19 lan rộng qua khu vực phiến quân, hơn 100.000 người có thể tử vong.

Mạng Báo động và Cảnh báo sớm (EWARN), nhóm giám sát dịch bệnh duy nhất hoạt động tại khu vực này của Syria, nói rằng khoảng 40 - 70% dân số có thể bị nhiễm bệnh - dựa trên tốc độ lây nhiễm bệnh toàn cầu.

Theo những ước tính đó, ít nhất 1,2 triệu người ở Idlib có nguy cơ COVID-19, Tiến sĩ Naser Mhawish, điều phối viên giám sát của EWARN, giải thích.

Quá trình xét nghiệm xác định lây nhiễm virus SARS-CoV-2, một thành phần quan trọng trong cuộc chiến chống sự lây lan của đại dịch, đã bắt đầu chậm. Trong toàn bộ vùng lãnh thổ Syria do phe đối lập kiểm soát, chỉ có một bác sĩ và một thiết bị duy nhất có thể thực hiện các xét nghiệm tìm virus. Sau nhiều tuần chờ đợi, 300 bộ xét nghiệm do EWARN mua riêng từ một nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ đã được chuyển phòng thí nghiệm của Bệnh viện Trung tâm Idlib hôm 25/3. Cho đến nay, họ đã xét nghiệm 4 trường hợp nghi ngờ - tất cả đều cho kết quả âm tính.

42 4 Nguoi Ti Nan Idlib Syria Tay Khong Truoc Con  Song Than Covid 19

Phun khử trùng một đường phố ở thủ đô Damascus, Syria nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ngày 20/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ sẽ giao một số bộ dụng cụ thử nghiệm cho phe đối lập Syria. Nhưng cho đến nay, lô hàng này vẫn chưa đến khu vực. "Cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria đã làm phức tạp hóa phản ứng khẩn cấp về y tế", Giám đốc khẩn cấp khu vực của WHO, Rick Brennan nói. "Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo mọi thứ sẵn sàng". 

Ngay cả ở các khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát, năng lực xét nghiệm vẫn còn thấp. Đất nước này chỉ ghi nhận 5 trường hợp mắc COVID-19, nhưng các chuyên gia nghi ngờ dịch đã lây lan rộng hơn thế. WHO đánh giá Syria là một quốc gia có nguy cơ rất cao trong trường hợp xảy ra đại dịch. Họ có dân số di cư trong nội địa cao nhất thế giới, và cuộc chiến tranh kéo dài đã tàn phá nặng nề hệ thống y tế.

Trở lại khu lán trại tị nạn ở Idlib, Fatima Um Ali bước ra khỏi lều và chỉ vào một cái thùng nhựa màu xanh. Đó là khẩu phần nước của cả gia đình cô. Mỗi ngày có một chiếc xe téc chở nước đến trại một lần. Nhưng hôm nay chiếc xe không đến và cái thùng rỗng không.

"Khi ai đó đã trải qua tất cả mọi thứ chúng tôi từng chịu đựng, từ chạy tị nạn đến hứng bom đạn, bạn có nghĩ rằng một loại virus sẽ tạo ra nhiều sự khác biệt không”, cô chua chát nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC