Lời cảnh báo trên đã được Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier, đưa ra ngay trước thềm bầu cử Tổng thống Pháp.

Paris có thể theo chân London và rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Daily Telegraph đưa tin. Và sau Brexit, thế giới có thể sẽ phải tiếp tục chứng kiến Frexit (France Exit) – một cuộc ly hôn tốn giấy mực và tiền bạc khác giữa nước Pháp và EU.

Theo lời Barnier, người Pháp “lo lắng và phẫn nộ” trước việc châu Âu không thể đối phó với các vấn đề di cư, bảo vệ biên giới và giảm các thủ tục quan liêu.

“Chúng ta có thể rút ra bài học từ Brexit. Bây giờ đã quá muộn đối với Vương quốc Anh, nhưng với chúng ta thì không”, chính trị gia người Pháp nhấn mạnh.

Ông Barnier cho biết thêm: “Chúng ta có thể tìm thấy không chỉ ở Vương quốc Anh, mà còn ở đây, chính ở Pháp, ở các khu vực phía Bắc … những công dân muốn rời EU”.

“Chúng ta phải hiểu tại sao người Anh rời đi… Điều quan trọng là phải chú ý đến những bất bình đã được bày tỏ ở Vương quốc Anh và thực hiện những thay đổi cần thiết để hiểu rõ hơn và thuyết phục những công dân còn lại của châu Âu”, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU nhấn mạnh.

42 1 Nguy Co Phap Cung Se Roi Khoi Lien Minh Chau Au

Vấn đề Frexit được đặt ra ở ngay nước Anh có ý định rời khỏi EU. Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn cùng các bộ trưởng Anh từng nhắc tới khả năng hiệu ứng domino có thể xảy ra ở châu Âu sau Brexit, với Swexit, Frexit, Dutxit, Itexit (cụm từ để chỉ việc Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Italy… rời EU).

Theo họ, việc Anh quyết định rời EU sẽ gây bất ổn cho phần còn lại của châu Âu vào thời điểm mà phe dân túy khai thác mối quan tâm của dân chúng về cuộc khủng hoảng người tị nạn và bất ổn trong khu vực đồng euro.

Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từng cảnh báo việc Anh rút khỏi EU có thể là “khởi đầu của tiến trình hủy diệt không chỉ EU mà cả nền văn minh chính trị phương Tây”.

Các cuộc thăm dò ở Pháp cho thấy: Nếu bầu cử tổng thống được tổ chức ngay bây giờ, thì Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng “Tập hợp quốc gia”, sẽ giành chiến thắng vòng đầu tiên với cách biệt 2% so với Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron.

Còn ở lượt thứ hai, bà sẽ thua Macron 8%, nhưng đây là khoảng cách nhỏ hơn nhiều so với bốn năm trước. Khi đó, Macron nhận được 66,1% phiếu bầu và Le Pen – 34,6%. Trong các cuộc bầu cử đó, lãnh đạo “Tập hợp quốc gia” đã kêu gọi Frexit. Kể từ đó, bà ngừng vận động để Pháp rời EU và hiện chủ trương thành lập “Châu Âu của các quốc gia”.

Nguồn: congly.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC