Donald Trump tìm cách lách luật để công kích những người tham gia phiên tòa xét xử mình và hệ thống tư pháp Mỹ, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bạo lực.

Tổng thống Donald Trump ngày 25/3 xuất hiện tại tòa hình sự Manhattan, New York, dự phiên điều trần liên quan cáo buộc ông chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels để ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016. Cựu tổng thống muốn trì hoãn phiên xét xử, nhưng thẩm phán tòa tối cao bang New York Juan Merchan, chủ tọa phiên tòa, bác bỏ.

Thẩm phán Merchan ấn định bắt đầu xét xử vào ngày 15/4 và ra lệnh cấm ông Trump bàn luận về vụ án. Điều này đồng nghĩa cựu tổng thống không được đưa ra tuyên bố có nhắc đến luật sư, nhân viên tòa án, người nhà của công tố viên hoặc luật sư, bồi thẩm đoàn hay tìm cách can thiệp vụ kiện.

Theo thẩm phán Merchan, lệnh cấm phát ngôn được đưa ra bởi ông Trump từng nhiều lần "đe dọa, kích động hoặc gièm pha" nhằm vào các quan chức pháp lý, bao gồm cả bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, lệnh cấm của thẩm phán Merchan không liệt kê tên ông cũng như Alvin Bragg, công tố viên phụ trách cuộc điều tra.

Nhận ra lỗ hổng này, cựu tổng thống không mất đến 24 giờ để tìm cách lách luật. Trong hai bài viết trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump công kích Loren Merchan, con gái ông Merchan, vì liên quan một công ty quảng bá kỹ thuật số làm việc với các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ và dùng ảnh chế ông Trump sau song sắt làm hình đại diện trên X.

Điều này khiến thẩm phán Merchan ngày 1/4 phải quyết định mở rộng phạm vi lệnh cấm, áp dụng với cả thân nhân của những người tham gia tố tụng. Động thái này cho thấy thách thức đáng kể và khác thường mà ông Trump đang tạo ra đối với thẩm phán Merchan trong vụ truy tố chưa từng có tiền lệ đối với một cựu tổng thống Mỹ.

1 Nguy Co Tu Cach Trump Thach Thuc Lenh Tham Phan

Cựu tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động ở Manchester, bang New Hampshire ngày 20/1. Ảnh: AP

Trong 6 tháng qua, ông Trump phải trình diện một số tòa án liên quan 4 vụ truy tố và hai vụ kiện dân sự, cùng một tòa phúc thẩm liên bang. Trong những lần xuất hiện trước tòa, cựu tổng thống luôn tìm cách thách thức quyền lực và giới hạn của những thẩm phán muốn kiềm chế ông.

"Ông ấy thực sự cố đẩy lùi lằn ranh đỏ. Ông ấy bước đến ranh giới, không vượt qua nhưng giẫm lên nó, về cơ bản là để công kích tòa án", Karen Friedman Agnifilo, cựu công tố viên văn phòng công tố quận Manhattan, nói.

Trong phòng xử, ông Trump đã bị thẩm phán nhiều lần nhắc nhở, thậm chí dọa đuổi ra ngoài, vì gây gián đoạn tiến trình tố tụng. Cựu tổng thống từng phát biểu tại tòa với bài diễn văn như đang vận động tranh cử, hay bỏ ra ngoài khi luật sư của nguyên đơn tranh tụng. Ở bên ngoài phòng xử, ông nhiều lần chỉ trích các vụ truy tố là nỗ lực can thiệp bầu cử.

Thẩm phán liên bang thủ đô Washington Reggie Walton ngày 28/3 lên án hành động của ông Trump là hành vi tấn công vào nguyên tắc thượng tôn pháp luật, nguy cơ dẫn đến bạo lực và chuyên quyền. "Việc đe dọa thẩm phán, đặc biệt là gia đình họ, là hành động sai trái và không nên xảy ra", ông Walton trả lời CNN.

Các bài đăng của ông Trump trên mạng xã hội là vấn đề khiến giới chức Mỹ đau đầu, dấy lên lo ngại về an ninh.

"Ngay cả khi vận động tranh cử, các tuyên bố của bị cáo vẫn tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đến quy trình xét xử mà không thể giải quyết bằng cách khác", theo thẩm phán liên bang Tanya Chutkan, phụ trách xét xử ông Trump với cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, dẫn đến vụ bạo loạn Đồi Capitol. Bà cũng ra lệnh cấm Trump phát ngôn về vụ án, tương tự quyết định của thẩm phán Merchan.

Vụ bạo loạn Đồi Capitol tháng 1/2021 xảy ra khi người ủng hộ ông Trump xông vào tòa nhà quốc hội để ngăn xác nhận ông Joe Biden thắng cử. Sự việc khiến 5 người thiệt mạng, hơn 100 cảnh sát bị thương. 486 người bị cáo buộc tấn công hoặc cản trở lực lượng an ninh.

Sau một phiên xử liên quan vụ bạo loạn Đồi Capitol, thẩm phán Walton gọi ông Trump là "kẻ bịp bợm" đã tìm cách thuyết phục người ủng hộ tin vào những cáo buộc vô căn cứ và thông tin sai lệch. Theo Walton, ông Trump "chỉ quan tâm quyền lực, không quan tâm nền dân chủ và điều đó đang xé toạc đất nước này".

Thẩm phán Walton cùng hai đồng nghiệp Thomas Hogan và Royce Lamberth cảnh báo số lời đe dọa mà họ cùng nhiều thẩm phán khác phải đối mặt tăng đáng kể từ sau vụ bạo loạn Đồi Capitol. Ông mô tả đây là điều "rất đáng quan ngại".

"Tôi đã làm thẩm phán suốt 40 năm. Đây là một xu hướng mới. Tôi không nói việc này chưa từng xảy ra, nhưng nó từng hiếm đến mức tôi chưa bao giờ cảm thấy bị đe dọa", Walton lưu ý. "Thật đáng tiếc, mọi chuyện không còn như trước".

2 Nguy Co Tu Cach Trump Thach Thuc Lenh Tham Phan

Thẩm phán Tòa án Tối cao New York Juan Merchan. Ảnh: Telegraph

Theo số liệu từ Cảnh sát Tư pháp Mỹ (USMS), ông Trump bắt đầu tăng công kích hệ thống tư pháp từ cuối năm 2020. Những lời đe dọa được coi là nghiêm trọng và phải xem xét tăng lên hơn hai lần, từ 224 năm 2021 lên 457 năm 2023.

Ít nhất nửa số thẩm phán Washington phụ trách xét xử các vụ kiện liên quan bạo loạn đồi Capitol cho hay những lời lẽ, hành động quấy rối và đe dọa nhằm vào họ đang gia tăng, trong đó có cả lời dọa giết như trường hợp của thẩm phán Chutkan năm ngoái, buộc bà phải yêu cầu tăng cường đảm bảo an ninh.

Trong phán quyết dài 5 trang hôm 1/4, thẩm phán Merchan lưu ý ông Trump có quyền "tự do phát biểu trước cử tri Mỹ và công khai tự bảo vệ mình", nhưng cũng cảnh báo về tác động từ những tuyên bố của cựu tổng thống.

"Mối đe dọa đến quy trình tư pháp không còn là có thể xảy ra, mà nó đã hiện hữu và rất thực tế", ông viết.

Như Tâm (Theo CNN, Washington Post)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC