Tại một cuộc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Hiện nay, hơn bao giờ hết, hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ là một trụ cột không thể phá hủy, một trụ cột không thể lay chuyển, bảo vệ hòa bình ở châu Á, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới, đồng thời bảo đảm sự thịnh vượng ở những khu vực đó”.
Theo đó, ông Abe khẳng định liên minh giữa hai nước cần phải mạnh mẽ hơn nữa.
Phát biểu ngay trước buổi chiêu đãi, Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc Nhật Bản đẩy mạnh vai trò của nước này, nhấn mạnh “tin tưởng trong những tháng năm tới sự đóng góp của Nhật Bản đối với an ninh chung sẽ tiếp tục tăng và liên minh giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại New York ngày 25/9/2019.
Hiệp ước Hợp tác và an ninh tương hỗ được ký năm 1960 giữa chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Nobusuke Kishi và Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower. Hiệp ước này thay thế một thỏa thuận năm 1951 mở đường cho việc thiết lập quan hệ giữa hai cựu thù trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Hiệp ước Hợp tác và an ninh tương hỗ là cơ sở để Mỹ cho đồn trú khoảng 54.000 binh sĩ tại Nhật Bản, theo đó cho phép quân đội Mỹ điều động binh sĩ nhanh chóng tới các nước và vùng lãnh thổ trong và xung quanh châu Á, đồng thời lực lượng đồn trú này có nhiệm vụ phối hợp với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bảo vệ Nhật Bản trước mọi mối đe dọa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định liên minh giữa hai nước rất vững chắc và rất cần thiết đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của hai nước cũng như khu vực trong 6 thập kỷ qua. Tuy nhiên, ông cho rằng hiệp ước trên có tính chất “một phía” và hối thúc Tokyo tăng mức đóng góp chi phí cho lực lượng Mỹ đồn trú.
Hiệp ước cũng vấp phải sự chỉ trích ở Nhật Bản, đặc biệt là sự phản đối lực lượng Mỹ đồi trú ở Okinawa.
Trong một tuyên bố chung ngày 17/1 nhân dịp kỷ niệm ngày ký hiệp ước trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Mỹ khẳng định liên minh giữa hai nước “đã và sẽ tiếp tục đóng một vai trò không thể thiếu trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước, đồng thời hiện thực hóa tầm nhìn chung của hai nước về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do”.
Theo TTXVN.