Những nước đông dân theo đạo Hồi như Malaysia, Indonesia và Ấn Độ cùng các nước Trung Quốc, Australia khuyến cáo cân nhắc đến Anh du lịch khi bạo loạn bùng phát.

Bạo loạn bùng phát ở nhiều thành phố của Anh sau khi nghi phạm Axel Rudakubana, 17 tuổi, bị bắt hôm 29/7 với cáo buộc đâm dao tại một trường dạy múa ở Southport, vùng Merseyside. Vụ tấn công khiến ba bé gái thiệt mạng, năm trẻ và hai người lớn bị thương nghiêm trọng.

Dù cảnh sát cho biết nghi phạm sinh ra và lớn lên ở Anh, trên mạng vẫn lan truyền thông tin sai lệch Rudakubana là người nhập cư bất hợp pháp, làm dấy lên làn sóng bài nhập cư và phản đối Hồi giáo. Các nhóm cực hữu cũng kích động người dân, gây bạo lực trong các cuộc tuần hành.

1 Nhieu Nuoc Khuyen Cao Du Khach Can Nhac Den Anh Vi Bao Loan

Đám đông bao vây khách sạn Holiday Inn Express ở Rotherham, tìm cách phá cửa để xông vào, rồi phóng hỏa bên ngoài hôm 4/8. Ảnh: AP

Tình trạng bất ổn tại Anh khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á, gồm Malaysia và Indonesia, nơi có đa số dân theo đạo Hồi, phải ban hành khuyến cáo du lịch. Ấn Độ, Australia, đặc khu Hong Kong cũng đưa cảnh báo công dân nếu có ý định đến Anh du lịch thời điểm này.

Trong Tuần lễ Vàng dịp quốc khánh ở Trung Quốc bắt đầu từ 1/10, hàng triệu người Trung Quốc dự kiến ra nước ngoài du lịch. Lượng khách Trung đến Anh có giảm hay không "phụ thuộc vào hiệu quả của chính phủ Anh trong ngăn chặn lây lan bạo lực", theo Gary Bowerman, Giám đốc công ty phân tích du lịch Checkin Asia có trụ sở tại Kuala Lumpur.

Cũng theo Gary, chính phủ Anh đang đối mặt thách thức khó khăn khi khách theo đạo Hồi không muốn đến thời gian này vì e ngại làn sóng bài Hồi giáo.

Đến nay, bạo loạn chủ yếu xảy ra ở những nơi khách du lịch hiếm khi ghé thăm. Chính phủ Anh đang điều tra những kẻ đứng sau vụ phát tán thông tin sai lệch khiến làn sóng bạo lực tăng cao.

Thủ tướng Anh Keir Starmer hứa sẽ đảm bảo an toàn cho cộng đồng còn Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ cảnh sát bằng cách tăng thêm chi phí cho các sĩ quan làm thêm giờ. Nhiều cảnh sát chống bạo động luôn trong tình trạng sẵn sàng, các cuộc tuần tra khu vực được tăng cường.

Du khách châu Á luôn ưu tiên tính an toàn, an ninh khi quyết định chọn điểm đến, đặc biệt là các chuyến đi dài ngày. Theo Wolfgang Georg Arlt, CEO một công ty chuyên về dịch vụ du lịch có trụ sở tại Đức, du khách thường quan tâm ngắn hạn. Do đó, nếu chính phủ Anh kiểm soát tốt các cuộc bạo loạn, đảm bảo an toàn, du khách sẽ quay trở lại.

"Nếu không để xảy ra các vấn đề nghiêm trọng hơn, lượng khách sẽ chỉ giảm trong thời gian ngắn", Wolfgang nhận xét.

2 Nhieu Nuoc Khuyen Cao Du Khach Can Nhac Den Anh Vi Bao Loan

Khách Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm khi đến Anh. Ảnh: Rciventures

Rajeev Kohli, CEO một công ty du lịch có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ nói không phải mọi khách châu Á đều lo lắng. Rajeev nói khuyến cáo cẩn trọng đi du lịch Anh của chính phủ Ấn Độ "không ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng".

Khách Ấn Độ thường lên kế hoạch ở lại các điểm đến xa như Anh ít nhất 6 tháng. Anh cũng là một trong 5 điểm đến được yêu thích nhất của người dân nước này. Bạo loạn cũng xảy ra rải rác ở Ấn do đó tình trạng bất ổn xã hội tại Anh có thể không khiến khách Ấn sợ hãi, trừ khi ảnh hưởng đến những nơi họ định tới thăm như London.

Anh Minh (Theo SCMP)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC