“Đời cha trường làng nhưng nhất định phải phấn đấu cho đời con trường Tây”.

Dường như “sự sính ngoại” lại tồn tại ngay cả trong việc lựa chọn môi trường học cho con. Nền giáo dục phương Tây có gì hơn phương Đông mà nhiều bậc phụ huynh lại đánh giá cao đến vậy?

Không phải nhiễm nhiên mà nhiều phụ huynh thề thốt: “Dù có phải cầm sổ đỏ cũng nhất quyết cho con đi du học trời Tây bằng được”.

Giáo trình tiên tiến, tôn trọng quyền cá nhân và thúc đẩy sự phát triển toàn diện luôn là những điểm cộng lớn của nền giáo dục phương Tây được nhiều cha mẹ Việt “gật dù khen hay”.

Quay lại nhìn nền giáo dục châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, muôn vàn câu chuyện chạy đua thành tích và kìm hãm sự phát triển cá nhân lại khiến không ít vị lắc đầu ngán ngẩm.

Coi trọng tư duy cá nhân hay tập thể?

Chuyện xưa nay thường thấy ở các trường học Việt Nam là cảnh cô khàn cổ giục phát biểu nhưng chỉ có lèo tèo vài cánh tay học sinh giơ lên.

Nguyên do chính là bởi cách giáo dục hiện tại khiến trẻ thui chột đi sự tự tin, không dám nói ý kiến cá nhân vì sợ bị đánh giá, chê bai.

Các trường Tây trang bị sự mạnh dạn cho trẻ khá tốt khi luôn khuyến khích học sinh nói lên quan điểm cá nhân dù đó có là suy nghĩ phi logic hay đi ngược lại số đông đến đâu.

Đơn giản bởi họ luôn tôn trọng sự khác biệt trong cách tư duy của mỗi cá nhân chứ không rập khuôn gò ép học sinh tư duy theo lối mòn như thầy cô Việt Nam vẫn hay làm.

Điều này giúp trẻ không chỉ gia tăng sự tự tin mà còn trau dồi tư duy sáng tạo và tinh thần “dám khác biệt” ngay từ tấm bé.

20170902 07 40 33 0

Tại trường trung học Daewon, Seoul của Hàn Quốc, có một khẩu hiệu đã “gói ghém” được toàn bộ phong cách giáo dục của trường: “Less of me, more of us” (Bớt tính cá nhân đi, nâng tính tập thể lên).

Bơi ngược dòng với quan điểm đó, văn hóa giảng dạy tại Mỹ lại khuyến khích tối đa sự độc lập trong tư duy để đến khi trưởng thành, trẻ hoàn toàn có thể tự mình giải quyết mọi vấn đề.

Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng việc định hình phong cách làm việc tập thể trong tư duy ngay từ nhỏ sẽ là những viên gạch vững chắc hỗ trợ cho công việc sau này.

Tuy nhiên, trước khi để trẻ bước đều trong một hàng cùng các bạn, nên dạy trẻ tự đi thật vững trước đã. Phải chăng, giáo dục Việt Nam cũng nên manh nha học hỏi phương Tây, để trẻ tự do bày tỏ quan điểm cá nhân và làm việc độc lập trước khi đưa vào một khuôn khổ có sẵn, mang tính tập thể cao.

Sức nặng của điểm số

Vấn nạn “đọc – chép” xưa nay vẫn là ung nhọt nhức nhối trong nền giáo dục Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

Chuyện thật như đùa, nhưng ở khá nhiều lò luyện thi chuyển cấp, cô đọc một câu, học sinh lặp lại câu đó hai lần để thuộc lòng chứ không phải để hiểu.

Phải học thuộc thật chính xác để còn lo đối phó với thi cử chứ sức ép thành tích đang đè lên nhà trường nặng nề quá, đợt này không được nằm trong top thì sẽ bị đánh thụt thứ hạng ghê lắm.

Trong khi đó, ở châu Âu, sức nặng điểm số gần như không có. PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) tại Phần Lan dù không hề bị ép về thành tích nhưng điều đáng ngạc nhiên là học sinh ở đây luôn đứng đầu trong các cuộc thi PISA.

Một quốc gia không hề có tiêu chí để đánh giáo viên và học sinh, cũng chẳng yêu cầu thầy trò phải đứng đầu như Phần Lan mà vẫn được cộng đồng OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế châu Âu) đánh giá có nền giáo dục chất lượng nhất nhì thế giới.

Nhìn vào đây, nhiều nền giáo dục châu Á hẳn phải thèm khát lắm.

Tại sao đất nước họ không “cưỡng cầu” điểm cao, thành tích lớn mà vẫn được nằm trong top đầu? Liệu có nên ngưng ngay hình thức đọc chép đối phó thi cử để “du nhập” cách học mới từ phương Tây, khi mà học sinh được học thật, thi thật và tất nhiên, điểm cũng rất thật.

20170902 07 40 46 4

Muôn vẻ chuyện “học thêm”

Trẻ em bên Mỹ học nhàn lắm. Các bé ngoài thời gian học ở trường thì về nhà chỉ cần dành 2 đến 3 tiếng làm bài tập giáo viên giao là xong, thoải mái gấp sách tham gia các hoạt động thể chất hoặc vui chơi thư giãn đầu óc.

Trẻ em châu Á lại cực hơn nhiều. Sau hàng tiếng đồng hồ “vã mồ hôi” trên lớp học, con em lại hớt hải ăn vội cái bánh mì cho kịp giờ học thêm buổi tối. Thậm chí, một số lớp học thêm còn “hào phóng” mở cửa ngay cả trong kỳ nghỉ hè, học sinh thì “được phép” học đến 23h.

Tình trạng này nhức nhối đến mức, chính phủ Hàn Quốc đã phải ban luật cấm các lớp học ban đêm nhưng thư viện thì vẫn mở 24/24 để con em có cơ hội “trau dồi kiến thức” nếu chẳng may “khó ngủ”.

Trách cô một mà trách phụ huynh 10. Khi mà không ít các bậc cha mẹ khát khao có con “thiên tài” đang cố tìm bằng được gia sư “xịn” để kèm cặp con mỗi tối. Thành ra, tuổi thơ của trẻ ngoài số và chữ thì gần như chẳng có lấy một kỷ niệm nào “ra hồn”.

Phương Tây học ít mà chất, biết đủ mà hài lòng.

Còn phương Đông lại tham lam, bắt trẻ học quá sức so với khả năng thật sự. Điều này chẳng khác gì chuối ép chín, vỏ tuy vàng ươm nhưng ruột dễ bị đắng. Trẻ tuy biết nhiều nhưng liệu hiểu và ứng dụng được bao nhiêu?

Đông hay Tây đều sẽ có những ưu nhược điểm riêng trong cách giáo dục học sinh.

Tuy nhiên, để kiếm được những ưu điểm của hệ thống giáo dục phương Đông sao mà khó hơn “bắc thang lên trời”. Mỗi năm tựu trường, phụ huynh Việt lại được phen lao đao về cái sự học của con.

Đến bao giờ mới được cá nhân hóa, bớt gánh nặng điểm số và được ăn cơm đúng bữa với con hàng tối chứ không phải chờ con đi học thêm về như bên Tây?

 

Nguồn: Kim Thoa
Báo Tuổi trẻ

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC