Quả đạn với dòng chữ "Tình hữu nghị Trung - Nga vạn tuế" (Tình hữu nghị Trung - Nga muôn năm) - Ảnh: THE KYIV POST/Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 của Ukraine
Theo báo The Kyiv Post, công dân Trung Quốc và các nước khác đang trả tiền cho "ít nhất một quân nhân Nga" để người này vẽ thông điệp mà họ mong muốn lên trên những quả đạn pháo.
Tuần trước Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 của Ukraine - tham gia vào hoạt động ở Kherson - công bố một loạt ảnh cho thấy chữ Trung Quốc cùng với các waifu (nhân vật nữ trong thế giới của truyện tranh hoặc anime) được vẽ trên những quả đạn pháo của Nga.
Chẳng hạn trên một quả đạn pháo có dòng chữ bằng tiếng Trung Quốc với nội dung "Tình hữu nghị Trung - Nga vạn tuế" (tức Tình hữu nghị Trung - Nga muôn năm!).
Trong bức ảnh khác do Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 công bố, có thể thấy nhiều quả đạn súng cối cũng có thông điệp ủng hộ Nga, được viết bằng cả tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.
Một quả đạn có dòng chữ đề cập tới 2 địa phương ở Trung Quốc là "Qingshui" (huyện Thanh Thủy) và Ermao (làng Nhị Mao), nhưng không rõ ẩn ý. Một quả đạn có chữ "Love from Hangzhou, China" (Gửi yêu thương từ Hàng Châu, Trung Quốc).
Trước đây, Chính phủ Trung Quốc đã liên tục bác bỏ thông tin nước này chuyển vũ khí cho Nga sử dụng ở Ukraine. Ngoài ra, cũng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga.
Những quả đạn với các thông điệp ủng hộ Nga - Ảnh: THE KYIV POST/Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 của Ukraine
Một người dùng X (Twitter) có tên GrishaPutin - tự xưng là "nhân viên cứu trợ nhân đạo" người Nga, có mặc quân phục - được cho là người cung cấp dịch vụ trên.
Trong một bài đăng vào ngày 13-2, GrishaPutin từng cung cấp bảng giá cho các dịch vụ của mình: 30 euro (tương đương 32 USD) để vẽ lên một quả đạn pháo, 15 euro để vẽ lên một quả đạn súng cối và 200 euro để có video xác nhận quả đạn đã được phóng đi.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên người ta nhìn thấy các quả đạn pháo từ Ukraine hoặc Nga chứa các thông điệp (khi quân đội gây quỹ bằng cách vẽ thông điệp từ các nhà tài trợ), nhưng các cuộc điều tra sâu hơn trên các trang mạng xã hội Trung Quốc chỉ ra GrishaPutin từng dùng tới "photoshop" (phần mềm chỉnh sửa) để vẽ lên các quả đạn.
Một số người dùng mạng nghi ngờ GrishaPutin chỉ đơn giản là "photoshop" lên hình các quả đạn pháo. Tuy nhiên, GrishaPutin từng bác bỏ các cáo buộc như vậy và đăng cả video quay cảnh người này thực sự vẽ bằng tay lên trên đạn pháo.
Tóm lại, theo Kyiv Post, có thể xác định được các công dân Trung Quốc - cùng với những công dân nước khác có lập trường thân Nga - nhiều khả năng đã trả tiền cho GrishaPutin để viết thông điệp của họ lên đạn pháo, dù không rõ người này có thực sự vẽ bằng tay hay đơn giản là photoshop.
BÌNH AN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online