Ảnh: Reuters
Theo BBC, những gì đang diễn ra hiện nay liên quan đến Covid-19 đang làm dấy lên một loạt câu hỏi, không chỉ về phản ứng với cuộc khủng hoảng y tế này mà còn về cách thức con người tổ chức xã hội và điều hành công việc của mình.
Nhiều vấn đề quốc tế đã bị đẩy ra bên lề kể từ khi đại dịch bùng phát. Một số khác vẫn được thực hiện nhưng gặp nhiều khó khăn hơn. Và không ít chính phủ đang tận dụng sự gián đoạn của Covid-19 để theo đuổi các tham vọng từ lâu của mình.
BBC nêu ra một số vấn đề mà các nước nên chú ý trong những tuần hoặc tháng tới đây.
Một cuộc chạy đua vũ trang tái diễn?
Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New Start) - giới hạn các kho hạt nhân tầm xa mà Mỹ và Nga đe dọa lẫn nhau - sẽ hết hiệu lực vào đầu tháng 2/2021. Đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng còn tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh.
Ảnh: Reuters
Đang có lo ngại rằng nếu không có hiệp ước này, sự thiếu vắng các hạn chế và thiếu minh bạch có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Thực tế các vũ khí bí mật như tên lửa siêu thanh đang được phát triển càng làm tăng thêm nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Nga dường như sẵn sàng để làm mới thỏa thuận nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ quyết tâm từ bỏ New Start trừ khi hiệp ước này có thể mở rộng để đưa Trung Quốc vào danh sách. Trong khi đó, Bắc Kinh chắc chắn không muốn tham gia và đến giờ là quá muộn để soạn thảo một tài liệu toàn diện mới.
Căng thẳng với Iran
Tranh cãi quanh việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) càng khiến cho thỏa thuận này trở nên tồi tệ hơn. JCPOA ra đời năm 2015, được ký kết bởi Iran và các cường quốc trong P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), với mục đích hạn chế các hoạt động hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Hiện tại Liên Hợp Quốc đang áp lệnh cấm vận, không cho các nước bán các loại vũ khí tối tân cho Iran. Tuy nhiên, theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc ủng hộ thỏa thuận hạt nhân, lệnh này sẽ hết hạn vào 18/10 năm nay. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo nếu Mỹ đạt được mục đích khiến lệnh cấm vận tái diễn thì sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng".
Tuy nhiên, rất ít khả năng Nga sẽ đồng ý với một thỏa thuận cấm vận vũ khí mở rộng. Trong trường hợp đó, ông Trump muốn người châu Âu kích hoạt một cơ chế trong thỏa thuận hạt nhân mà sẽ sử dụng cấm vận kinh tế rộng khắp hơn nhằm vào Iran (chính là các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ phần lớn sau khi thỏa thuận ra đời).
Mỹ đã rút khỏi JCPOA và sau đó gia tăng áp lực lên Iran. Nước Cộng hòa Hồi giáo cũng bỏ tuân thủ nhiều điều khoản. Các mối quan hệ giữa hai nước thậm chí xấu thêm và căng thẳng hiện thời giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ càng lớn.
Brexit vẫn còn đó
Đó là một thuật ngữ mà rất nhiều người trong chúng ta gần như lãng quên.
Nhưng đồng hồ vẫn chạy: thời hạn chuyển giao sau khi Anh rời khỏi EU kết thúc vào ngày 31/12. Các cuộc thương lượng về các điều khoản của mối quan hệ tương lai đã bắt đầu khá ngập ngừng, nhưng cũng không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson tính toán đến bất kỳ sự trì hoãn hay mở rộng nào cho giai đoạn chuyển tiếp này.
Ảnh: PA MEDIA
Tuy nhiên, đại dịch đã làm thay đổi toàn bộ bối cảnh Brexit, nhất là khi kinh tế suy giảm và có thể phải mất nhiều năm mới hồi phục. Dường như ở Anh cũng có rất ít mong muốn nối lại thương lượng. Trong khi đó, thời hạn chót đang đến gần.
Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến cả hai bên cùng căng thẳng. Có thể sẽ có một cách tiếp cận đồng thuận hơn để dẫn dắt mối quan hệ song phương trong tương lai, nhưng do kinh tế khủng hoảng vì dịch bệnh, các quyết định quan trọng về kinh tế và ngoại giao sẽ đặt Anh vào thách thức khó khăn hơn nhiều.
Biến đổi khí hậu
Phản ứng toàn cầu với đại dịch Covid-19 được coi như nền tảng cho phép thử về năng lực của cộng đồng quốc tế trong xử lý một trong những thách thức toàn cầu phức tạp nhất và lớn nhất: biến đổi khí hậu.
Về mặt hợp tác, kinh nghiệm từ Covid-19 đến nay vẫn chỉ là một bản báo cáo hỗn hợp. Và căng thẳng nhiều khả năng sẽ vẫn tồn tại trong thế giới thời hậu đại dịch mà sẽ càng khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn nhiều.
Đưa "quá trình" biến đổi khí hậu trở lại đường ray là chủ đề của nhiều cuộc họp quan trọng, chẳng hạn như hội nghị khí hậu Cop26 của Liên Hợp Quốc lẽ ra sẽ được tổ chức ở Glasgow vào tháng 11, đã bị hoãn tới sang năm.
Nhưng câu hỏi vẫn còn đó là tư duy quốc tế sẽ thay đổi thế nào? Cảm giác cấp bách và mục đích sẽ quay trở lại? Và trật tự toàn cầu mới sẽ cho phép tiến bộ đạt được nhanh đến mức nào về vấn đề vô cùng phức tạp này?
Nguồn: Thanh Hảo/ Vietnamnet.vn