Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Năm 2020, mức nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng mạnh do các chính phủ chủ yếu dựa vào các khoản vay giá trị lớn để triển khai các gói hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19.
Theo số liệu mới được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố, tổng nợ công của 19 quốc gia thành viên Eurozone trong năm 2020 tăng 1.240 tỷ euro lên mức 11.100 tỷ euro, tương đương 98% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của toàn khu vực.
Với mức nợ công này, năm 2020, thâm hụt ngân sách của Eurozone là 7,2% GDP. Cả 2 chỉ số trên đều tăng mạnh so với năm 2019 khi mức nợ công của toàn khối tương đương 83,9% GDP và thâm hụt ngân sách là 0,6% GDP.
Thống kê của Eurostat cho thấy các quốc gia thành viên Eurozone vay nợ nhiều nhất trong năm 2020 đều là những nước vốn đã có mức nợ công cao trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Trong đó, Hy Lạp, một thành viên vừa thoát nguy cơ vỡ nợ, lại chứng kiến nợ công tăng tới 25 điểm % trong năm 2020 lên mức 341 tỷ euro, tương đương 205,6% GDP, mức cao nhất tại châu Âu.
Italy là quốc gia có tỷ lệ nợ công/GDP cao thứ 2 tại châu Âu là 155,8%, tăng 21,2 điểm % so với năm 2019. Tuy nhiên, tính về tổng số tiền nợ công thì Italy hiện đứng đầu châu Âu với khoản nợ trị giá 2.570 tỷ euro.
Ngược lại, Estonia, một thành viên mới của Eurozone và Bulgaria, quốc gia đang muốn gia nhập khu vực đồng tiền chung, là những nước có tỷ lệ nợ công/GDP thấp nhất, lần lượt là 18,2% và 25%.
Nợ công của Đức, nền kinh tế đầu tàu của Eurozone, tăng 10 điểm % lên mức 69,8% GDP trong khi nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực là Pháp ghi nhận nợ công tăng 18 điểm % lên mức 115,7% GDP.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát làm tê liệt các hoạt động kinh tế, Liên minh châu Âu (EU) quy định các quốc gia cần kiềm chế nợ công ở mức tối đa là 60% GDP. Tuy nhiên, hiện EU tạm hoãn thực hiện quy định này trong thời gian khủng hoảng kinh tế do tác động của đại dịch./.
Nguồn: Lê Ánh/ Vietnam+