“Nữ hoàng đã lần đầu tiên trong thời gian trị vì của mình hỏi ý kiến về khả năng sa thải một thủ tướng trước khi Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết”, Birrell hôm 29/9 dẫn nguồn tin giấu tên cấp cao cho biết trong một bài viết đăng trên inews, tờ báo có trụ sở ở London.
Hiện chưa rõ Nữ hoàng Elizabeth II muốn sử dụng đặc quyền này để bãi nhiệm thủ tướng hay chỉ muốn tìm hiểu để nắm rõ hơn về quá trình này. Điện Buckingham tuyên bố không bình luận về các tin đồn.
Dù được coi là nguyên thủ quốc gia chỉ có vai trò mang tính chất lễ nghi của Anh, Nữ hoàng Elizabeth II trên thực tế sở hữu những đặc quyền có thể cho phép bà can thiệp vào chính trị trong nước. Một trong số các quyền đó là bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm thủ tướng và các thành viên nội các trong chính phủ Anh.
Nữ hoàng Elizabeth II tại một sự kiện ở London ngày 22/5. Ảnh: Reuters.
Năm 2003, Hạ viện Anh khẳng định Nữ hoàng có quyền hành động trái ngược hoặc thậm chí không ra quyết định ngược lại hoặc không cần tham vấn chính phủ trong trường hợp xảy ra “cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng”. Việc Nữ hoàng Elizabeth II không muốn sử dụng các đặc quyền này không đồng nghĩa với việc chúng chỉ mang tính hình thức.
Thông tin được Birrell tiết lộ trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson đang đối mặt với sự phản đối không nhỏ của quốc hội nước này, sau khi đề nghị Nữ hoàng dừng hoạt động của quốc hội trong vòng 5 tuần.
Tòa án tối cao Anh tuần này tuyên bố rằng yêu cầu đình chỉ quốc hội của ông Johnson là vi hiến. Sau phán quyết của tòa, một số nghị sĩ Anh đang lên kế hoạch bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm lật đổ Johnson khi thời hạn Brexit đang cận kề.
Từ khi lên nắm quyền thay bà Theresa May tháng 7 năm nay, Thủ tướng Johnson luôn kiên định sẽ đưa nước Anh rời EU vào hạn chót 31/10, dù có hay không có thỏa thuận.
Mai Lâm (Theo Sputnik)