Sarah Lim, y tá 46 tuổi, và bác sĩ bệnh truyền nhiễm Kalisvar Marimuthu, 43 tuổi, là hai trong số hơn 30 nhân viên y tế của Trung tâm Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm được tiêm vaccine Covid-19 hôm 30/12.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, các y bác sĩ này sẽ được tiêm liều thứ hai vào ngày 20/1/2021.
Chương mới trong cuộc chiến chống đại dịch của Singapore
"Vaccine đã giúp đẩy lùi các đại dịch trước đây. Vì vậy, tôi hy vọng rằng loại vaccine này cũng sẽ làm được như vậy", bác sĩ Marimuthu nói với Reuters.
Để chứng tỏ mức độ an toàn của vaccine Covid-19, Thủ tướng Lý Hiển Long, 68 tuổi, cho biết ông và các đồng nghiệp sẽ là một trong những người đầu tiên được tiêm.
Nhân viên y tế Sarah Lim được tiêm vaccine Covid-19 ở Singapore. Ảnh: Reuters.
Tại Singapore, người dân được tiêm vaccine Covid-19 miễn phí và dựa trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, chính phủ khuyến khích tất cả cư dân đủ điều kiện nên đăng ký tiêm. Đây cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho người dân.
Trong bài đăng trên Facebook, Thủ tướng Lý cho rằng quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 được khởi động hôm 20/12 đánh dấu "một chương mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch của Singapore".
"Vaccine là chìa khóa để sống trong thế giới Covid-19, nhưng vẫn còn một thời gian nữa cơn bão này mới qua đi", ông viết.
Singapore là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê duyệt vaccine Covid-19 do Pfizer - BioNTech hợp tác phát triển. Quốc đảo này cũng ký thỏa thuận đặt mua và thanh toán trước cho một số vaccine Covid-19 của hãng khác, bao gồm Moderna và Sinovac.
Singapore dự kiến có đủ vaccine cho 5,7 triệu người dân nước này vào quý 3 năm 2021.
Sau khi ghi nhận các trường hợp đầu tiên mắc Covid-19, Singapore nhanh chóng phản ứng để ngăn chặn đại dịch lây lan. Quốc đảo này là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới. Tổng số ca tử vong hiện nay ở Singapore là 29 người.
Các nước Đông Nam Á ráo riết tìm mua vaccine
Chính phủ nhiều nước ở Đông Nam Á đang nỗ lực tìm mua vaccine nhằm triển khai tiêm chủng vào đầu năm 2021.
Indonesia xem xét phê duyệt khẩn cấp vaccine Sinovac của Trung Quốc. Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết công ty Sinova cam kết cung cấp 40 triệu liều vaccine cho nước này.
Trong khi đó, Thái Lan đang đàm phán với các công ty dược phẩm để có đủ liều vaccine cho một nửa dân số nước này.
Hôm 27/11, Thái Lan ký thỏa thuận trị giá 200 triệu USD để mua 26 triệu liều vaccine do Đại học Oxford - AstraZeneca sản xuất.
Vaccine của Đại học Oxford - AstraZeneca đã được cơ quan quản lý dược phẩm của Anh phê duyệt ngày 30/12. Ảnh: AFP.
Malaysia đã đặt mua 12,8 triệu liều vaccine Pfizer. Hãng này dự kiến cung cấp 1 triệu liều đầu tiên trong quý I năm 2021, các đợt tiếp theo sẽ lần lượt là 1,7 triệu, 5,8 triệu và 4,3 triệu liều.
Philippines đã ký hợp đồng mua 2,6 triệu liều của Đại học Oxford - AstraZeneca. Myanmar dự kiến mua đủ vaccine cho 20% dân số.
Cục trưởng Cục Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế Lào, Rattanaxay Phetsouvanh cho biết nước này sẽ nhận được vaccine Covid-19 vào năm 2021, song thông tin chia tiết chưa được tiết lộ.
Việt Nam tự phát triển vaccine và đang thử nghiệm trên người giai đoạn một.
Theo Zing