Ngày 13/4, Điện Kremlin cho biết, theo sáng kiến của phía Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành điện đàm.

Hiện trạng quan hệ Nga-Mỹ và một số khía cạnh thời sự của chương trình nghị sự quốc tế đã được hai nhà lãnh đạo thảo luận kỹ lưỡng.

42 1 Ong Biden Dien Dam Voi Ong Putin De Xuat Cuoc Gap Thuong Dinh

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: BBC

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận lời mời trước đó được chuyển tới Tổng thống Nga V.Putin tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, sẽ được tổ chức theo hình thức cầu truyền hình vào ngày 22-23/04.

Hai bên bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đối thoại về các lĩnh vực quan trọng nhất của đảm bảo an ninh toàn cầu, đáp ứng lợi ích không chỉ của Nga và Mỹ, mà của toàn bộ cộng đồng thế giới. Hơn nữa, Tổng thống Biden bày tỏ quan tâm đến việc bình thường hóa tình hình các vấn đề trên bình diện song phương và thiết lập tương tác ổn định và có thể dự đoán được đối với các vấn đề cấp bách như đảm bảo ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí, chương trình hạt nhân Iran, tình hình ở Afghanistan và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ đề nghị xem xét khả năng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh cá nhân trong tương lai gần. Khi trao đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng nội bộ Ukraine, Tổng thống Putin đã vạch ra các cách tiếp cận để giải quyết chính trị dựa trên gói biện pháp Minsk.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý giao cho các bộ liên quan giải quyết các vấn đề được nêu ra trong cuộc điện đàm. Đây là cuộc trò chuyện thứ hai của các Tổng thống Nga-Mỹ kể từ khi ông Biden nhậm chức. Cuộc trò chuyện lần đầu tiên diễn ra vào ngày 26/01. Nó cũng là dấu hiệu cho thấy sự hạ nhiệt từ phía Mỹ trong quan hệ với Nga trên nền căng thẳng gia tăng trong suốt gần một tháng qua, không chỉ giữa hai nước mà còn liên quan đến tình hình Ukraine, cũng như các vấn đề quốc tế khác./.

Anh Tú (VOV-Moscow)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC