Cựu thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi chính phủ bắt đầu ngay việc xây kênh đào Phù Nam Techo - Ảnh: AFP
Trong thông điệp đặc biệt đưa ra ngày 16-5, ông Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng viện Campuchia, kêu gọi chính phủ đừng chờ đợi nữa mà hãy tiến hành xây kênh Phù Nam Techo (Funan Techo) càng sớm càng tốt để phục vụ vận chuyển bằng đường thủy.
Không cần phải chờ đợi nữa
Cựu thủ tướng Campuchia cho rằng việc khẩn trương xây kênh đào Phù Nam Techo là vì nền kinh tế quốc dân và để chấm dứt dư luận liên quan đến kênh đào này. Trước đó, Campuchia tính bắt đầu khởi công vào cuối năm nay.
"Tôi muốn đưa ra ý kiến với chính phủ Hoàng gia về dự án kênh đào Phù Nam Techo. Hãy lập công trường càng sớm càng tốt, không cần phải chờ đợi nữa. Chúng ta phải nghĩ về nền kinh tế của mình. Chúng ta phải nghĩ đến nền độc lập dân tộc của mình", tờ Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen nói.
Đồng thời, ông Hun Sen cũng nhắc lại lập luận cho rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của Campuchia bằng việc giảm chi phí vận chuyển. Ông cũng nói rằng kênh đào này sẽ đóng vai trò là hệ thống thủy lợi cho phía tây nam Campuchia.
Ông Hun Sen khẳng định kênh đào Phù Nam Techo sẽ giúp tăng sản lượng và nuôi cá của người dân, đặc biệt giúp giảm lũ khi Campuchia bị lũ lụt. Ngoài ra, kênh đào Phù Nam Techo cũng sẽ đóng góp cho du lịch và người dân sẽ được hưởng lợi.
Dự án Phù Nam Techo trị giá 1,7 tỉ USD
Trong thông báo vào tháng 8-2023 cho MRC về ý định xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, Campuchia cho biết mục đích của dự án là nhằm phục vụ giao thông đường thủy nội địa và kết nối đường thủy.
Thông báo đề cập đến kế hoạch xây dựng một tuyến đường thủy dài 180km, sâu 5,4m, rộng 80 - 100m, có sức tải tàu 1.000 DWT, sẽ nối thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kep ven biển. Con kênh sẽ có 3 âu thuyền để duy trì mực nước cho tàu bè qua lại và 11 cây cầu bắc qua kênh. Dự án sẽ khởi công vào cuối năm nay với kinh phí dự kiến 1,7 tỉ USD và kênh Phù Nam Techo sẽ hoạt động từ năm 2028.
Ngày 9-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi Campuchia phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ thông tin về kênh đào Phù Nam Techo, bởi những gì Việt Nam hiện có là chưa đủ để đánh giá tác động của dự án.
"Và vì vậy, như đã phát biểu vào ngày 5-5, chúng tôi mong muốn phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong lưu vực sông Mekong, chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án, và đánh giá chi tiết các tác động của dự án này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực vùng sông Mekong.
Đồng thời cũng có các biện pháp quản lý trung và dài hạn, bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia ven sông, quản lý, xử lý hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Mekong", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
TRẦN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online