Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva trong buổi lễ hạ thủy tại Nhà máy đóng tàu Itaguai ở bang Rio de Janeiro, Brazil ngày 27-3 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AFP, cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác quốc phòng giữa Pháp và Brazil trong giai đoạn chính trị toàn cầu đang gặp nhiều bất ổn.
“Mối quan hệ quốc phòng giữa Pháp và Brazil giúp hai quốc gia ở hai lục địa khác nhau sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai, mà không phải lo sợ bất kỳ mối nguy hại chiến tranh nào. Chúng ta là những người bảo vệ hòa bình”, ông Lula da Silva tuyên bố.
Bất chấp những khác biệt, ông Macron khẳng định Pháp và Brazil có chung mục tiêu và tầm nhìn trong việc duy trì hòa bình khu vực.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một tổng thống Pháp tới Brazil trong hơn một thập kỷ qua, cũng là động thái mới nhằm thiết lập lại mối quan hệ vốn không êm đẹp giữa hai nước này dưới thời cựu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
Chiếc tàu ngầm thứ tư có tên Angostura, sẽ được hạ thủy vào năm 2025. Chiếc thứ năm của chương trình, Alvaro Alberto, dự kiến chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang trì hoãn vì thiếu ngân sách.
Trước đó, theo Chương trình phát triển tàu ngầm của Brazil (PROSUB), tàu ngầm đầu tiên mang tên S40 Riachuelo đã hạ thủy vào năm 2018 và chiếc thứ hai là Humaitá (S41) hạ thủy năm 2020.
Đường bờ biển dài 8.500km của Brazil được biết đến với tên gọi “Amazon xanh”, đóng vai trò vô cùng quan trọng, chiếm 95% ngoại thương của Brazil, đồng thời là nơi chứa hơn 95% sản lượng dầu mỏ mà quốc gia này khai thác được.
Chương trình PROSUB được triển khai vào năm 2008, trong một hiệp ước an ninh giữa Tổng thống Lula và cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
PROSUB được thành lập để bảo vệ các nguồn tài nguyên chiến lược của Brazil, đồng thời phát triển ngành đóng tàu của nước này và cung cấp hàng nghìn việc làm mỗi năm cho người dân.
Tập đoàn Hải quân Pháp Naval Group đang hỗ trợ Brazil thiết kế và chế tạo tàu ngầm, ngoại trừ lò phản ứng hạt nhân do Brazil sản xuất.
Tuy nhiên, Brazil đang cố gắng thuyết phục Pháp chuyển giao công nghệ để nước này tích hợp lò phản ứng vào tàu ngầm, đồng thời bán cho Brazil các thiết bị liên quan đến động cơ đẩy hạt nhân.
“Brazil muốn tiếp cận công nghệ hạt nhân không phải để gây chiến. Chúng tôi muốn tuyên bố cho tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới biết rằng Brazil sẽ luôn sát cánh bên họ”, ông Lula cho biết.
Về phía Pháp, ông Macron nói Pháp sẽ luôn hỗ trợ Brazil trong quá trình phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng chưa đưa ra thông báo hỗ trợ cụ thể.
Cho đến nay, chỉ có 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp) và Ấn Độ sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Brazil là quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhưng các quy định của nước này về mặt kỹ thuật cho phép Brazil xây dựng các lò phản ứng hạt nhân hải quân của riêng mình.
KHÁNH QUỲNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online