Tổng thống Donald Trump dường như thú nhận Covid-19 đang hoành hành ở Mỹ, trái ngược với các tuyên bố lúc tái tranh cử về việc Washingtong đã "đảo ngược được tình thế" về đại dịch.

42 1 Ong Trump Thu Nhan Hien Trang Covid 19 O My Chau Au Doi Mat Vien Canh Toi Te

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh tốc độ lây lan virus corona chủng mới ở Mỹ lên tới 200.000 ca/ngày, ông Trump đã đăng đàn Twitter nhấn mạnh tình hình dịch ở ngoài nước Mỹ cũng tồi tệ không kém.

"Các tin tức giả mạo đang không đề cập đến thực tế rằng Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, không chỉ tại Mỹ", trích thông điệp Twitter đăng tải ngày 22/11 (giờ Việt Nam) của lãnh đạo Nhà Trắng sau khi ông dự hội nghị trực tuyến của nhóm G20.

Theo báo Guardian, trước đó, ông Trump cũng khẳng định “truyền thông giả mạo” quên đề cập đến việc “đang có ít người chết hơn vì mắc Covid”.

Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì virus corona chủng mới trên thế giới. Trang Worldometers thống kê, tính đến hết 22/11, tổng số trường hợp tử vong ở xứ sở cờ hoa lên tới hơn 262.000 người trong tổng số gần 12,6 triệu ca mắc toàn quốc.

Moncef Slaoui, Trưởng cố vấn chương trình vắc-xin của chính quyền ông Trump dự đoán, cuộc sống ở Mỹ có thể trở lại bình thường vào tháng 5/2021, thời điểm dự kiến bắt đầu quá trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 rộng rãi.

Tuyên bố được đưa ra đúng vào lúc hàng triệu người dân Mỹ đi lại nhiều hơn để chuẩn bị cho dịp nghỉ lễ Tạ ơn trong tuần này, và nhiều người có vẻ đang phớt lờ cảnh báo của các chuyên gia y tế về nguy cơ tăng lây nhiễm mầm bệnh nguy hiểm.

WHO e sợ làn sóng lây nhiễm thứ 3 ở châu Âu

David Nabarro, đặc phái viên về Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, một làn sóng lây nhiễm dịch thứ 3 sẽ càn quét châu Âu vào đầu 2021, nếu các chính phủ "lặp lại thất bại" trong việc làm những điều cần thiết để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 2.

"Họ (các chính phủ châu Âu) đã bỏ lỡ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết trong những tháng mùa hè sau khi kiểm soát được làn sóng lây nhiễm đầu tiên. Hiện, chúng ta có làn sóng lây nhiễm thứ 2. Nếu họ tiếp tục không xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, chúng ta sẽ có làn sóng lây nhiễm thứ 3 vào năm tới", ông Nabarro nói.

Tình trạng lây nhiễm virus đang bùng phát mạnh ở châu Âu với tổng số ca mắc ở Đức và Pháp tăng hơn 33.000 người vào ngày cuối tuần. Trong khi, Đức và Áo ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày.

Ông Nabarro khen ngợi cách ứng phó của các nước châu Á, nơi tỉ lệ lây nhiễm virus tương đối thấp. So sánh với việc châu Á không sớm nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm dập dịch, quan chức này cho rằng "phản ứng của châu Âu không hoàn chỉnh".

Đức kéo dài các biện pháp hạn chế

Theo các quan chức cấp cao của Đức và một bản dự thảo đề xuất lọt vào tay Reuters hôm 22/11, Berlin dự kiến sẽ gia hạn các biện pháp phòng chống dịch tới ngày 20/12.

Trước đó, nhà chức trách công bố áp các biện pháp gần như phong tỏa trong vòng một tháng, tính từ ngày 2/11 để kiểm soát làn sóng lây nhiễm virus thứ 2 đang hoành hành ở phần lớn châu Âu. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới Covid-19 ở nước này không giảm xuống.

Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz tuyên bố trên báo Bild am Sonntag (BamS) rằng, việc kéo dài các biện pháp hạn chế qua ngày 30/11 rất cần thiết để ứng phó diễn biến dịch phức tạp.

Các quán bar và nhà hàng tại Đức hiện phải đóng cửa, nhưng trường học và các cửa hàng vẫn hoạt động bình thường. Các cuộc tụ họp riêng tư đang giới hạn ở mức tối đa là 10 người, song dự thảo mới đề xuất giảm xuống còn 5 người.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 23/11 (theo giờ Việt Nam), hơn 58,9 triệu người trên thế giới nhiễm virus corona chủng mới, trong đó gần 1,4 triệu trường hợp tử vong. Tuy nhiên, hơn 40,7 triệu ca bệnh khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.

 - Bồ Đào Nha sẽ cấm đi lại trong nước và đóng cửa các trường học trong 2 dịp cuối tuần sắp tới nhằm ngăn chặn dịch lây lan trước lễ Giáng sinh.

- Phát biểu trên đài truyền hình NHK ngày 22/11, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Yasutoshi Nishimura tuyên bố, nước này có thể tái áp đặt giới hạn tham dự các sự kiện thể thao và những sự kiện lớn khác nhằm đảo ngược xu hướng gia tăng số ca nhiễm mới Covid-19. Chính phủ từng cho triển khai những biện pháp như vậy hồi đầu năm nay nhưng đã nới lỏng các biện pháp này trong các tháng gần đây.

- Hàn Quốc ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận hơn 300 ca nhiễm mới hôm 22/11. Giới chức cảnh báo có thể phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn nếu xu hướng này tiếp tục, đe dọa thủ đô Seoul và các khu vực lân cận đông đúc dân cư.

Nguồn: Tuấn Anh/ Vietnamnet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC