"Chúng tôi đang tìm kiếm sự chấp thuận. Đó là quyền hiển nhiên và hợp pháp của chúng tôi. Mọi người đều nói về 'giải pháp hai nhà nước', vậy lý do gì để từ chối chúng tôi làm thành viên?", đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Riyad Mansour nói hôm 3/4.
Lãnh đạo Chính quyền Palestine Mahmud Abbas từng nộp đơn xin cấp tư cách nhà nước thành viên LHQ từ năm 2011. Hội đồng Bảo an không phê duyệt điều này, nhưng Đại hội đồng LHQ một năm sau đó đã cấp quy chế quan sát viên cho Palestine.
Chính quyền Palestine hôm 2/4 gửi thư tới Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đề nghị Hội đồng Bảo an xem xét lại vấn đề này. Đại sứ Mansour cho biết Palestine đang thúc đẩy Hội đồng Bảo an tổ chức bỏ phiếu vào ngày 18/4 để có thể trở thành thành viên đầy đủ của LHQ vào tháng sau.
Để được công nhận là thành viên đầy đủ, Palestine trước hết phải vượt qua cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an, trong đó Mỹ, đồng minh của Israel, và 4 nước ủy viên thường trực khác là Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc đều có quyền phủ quyết. Nếu vượt qua cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an, Palestine sau đó cần nhận được sự ủng hộ của 2/3 thành viên trong Đại hội đồng LHQ.
Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour trong cuộc họp tại New York hôm 25/3. Ảnh: AFP
Mỹ hôm 3/4 tuyên bố phản đối Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, nói thêm rằng chỉ ủng hộ tư cách nhà nước thành viên của Palestine sau khi họ đàm phán với Israel.
"Chúng tôi ủng hộ thành lập nhà nước Palestine độc lập. Điều đó nên được thực hiện qua đàm phán trực tiếp với các bên, điều mà chúng tôi đang thúc đẩy lúc này, chứ không phải thông qua tại LHQ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói.
Ông Miller cho biết thêm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tích cực thúc đẩy vấn đề "đảm bảo an ninh" cho Israel như một phần điều kiện để thành lập nhà nước Palestine.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày càng thể hiện sự ủng hộ để thành lập nhà nước Palestine, trong đó chính quyền Palestine sẽ phụ trách quản lý cả khu vực Bờ Tây và Dải Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hàng thập kỷ vẫn phản đối việc thành lập nhà nước Palestine, đồng thời duy trì thái độ gay gắt với Chính quyền Palestine, đang phụ trách khu vực Bờ Tây.
Luật Mỹ yêu cầu nước này cắt tài trợ cho các cơ quan của LHQ nếu cơ quan đó cung cấp tư cách thành viên đầy đủ cho Palestine. Mỹ năm 2011 từng cắt nguồn tài trợ và sau đó rút khỏi UNESCO, tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ, nhưng đã tái gia nhập năm ngoái dưới thời Tổng thống Biden.
Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood cảnh báo việc LHQ công nhận tư cách thành viên đầy đủ của Palestine đồng nghĩa với việc Washington sẽ cắt toàn bộ tài trợ cho tất cả cơ quan thuộc LHQ.
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET