Ngày 8/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo kế hoạch xóa bỏ Trường Hành chính Quốc gia, ngôi trường danh tiếng chuyên đào tạo các công chức cao cấp của nước Pháp cũng như quốc tế.

Thông báo được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trong một cuộc họp trực tuyến với hàng trăm công chức cấp cao của nước Pháp vào chiều 8/4 theo giờ Pháp. Xóa bỏ Trường Hành chính Quốc gia (ENA) là một nội dung quan trọng nằm trong kế hoạch cải cách bộ máy hành chính cấp cao tại Pháp.

42 1 Phap Se Xoa Bo Truong Hanh Chinh Quoc Gia

Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: Financial Times

Nội dung xóa bỏ Trường Hành chính Quốc gia đã được Tổng thống Pháp nhắc đến lần đầu trong một cuộc họp báo hồi tháng 4/2019, trong giai đoạn cuộc khủng hoảng xã hội mang tên phong trào “áo vàng” đang nổ ra dữ dội. Sau đó, Tổng thống Pháp đã từng thông báo chỉ cải cách hoạt động của cơ sở đào tạo này mà không xóa bỏ như kế hoạch. Tuy nhiên, ngày 8/4/2021, quyết định cuối cùng đã được đưa ra.

Trường Hành chính Quốc gia thành lập năm 1945, là ngôi trường danh giá nhất nước Pháp, ban đầu đặt tại thủ đô Paris, sau đó chuyển trụ sở chính về thành phố Strasbourg, phía Đông Bắc. Ngôi trường chuyên đào tạo các công chức cấp cao của Pháp cũng như quốc tế. Các cựu học viên của trường này thường đảm nhiệm những chức vụ lãnh đạo cao cấp ở Pháp, với 4 Tổng thống (trong đó có đương kim Tổng thống Emmanuel Macron), 9 Thủ tướng cùng đông đảo Bộ trưởng.

Việc xóa bỏ Trường Hành chính Quốc gia trước đây cũng được nhiều lãnh đạo cấp cao, các ứng viên Tổng thống Pháp ủng hộ khi ngôi trường này bị chỉ trích dành ưu tiên cho tầng lớp thượng lưu, con cái quan chức, gây bất bình đẳng đối với những người thuộc các tầng lớp xã hội khác. Tuy nhiên, quyết định này cũng vấp phải những phản đối.

Ông Bruno Retailleau, Chủ tịch nhóm Thượng nghị sỹ đảng Những người Cộng hòa trong Thượng viện Pháp khẳng định, đây là một quyết định sai lầm.

“Chúng ta xóa Trường Hành chính Quốc gia để không phải cải cách nhà nước. Chúng ta đã làm gì để cải cách nhà nước? Nước Pháp chưa bao giờ làm điều đó. Đây là một vấn đề mà cuộc khủng hoảng y tế đã làm bộc lộ và cần phải rút ra các bài học. Chưa bao giờ nhà nước lại tập trung và quan liêu đến như vậy. Vấn đề không nằm ở Trường Hành chính Quốc gia, vấn đề nằm ở chính sách chỉ đạo hoạt động của đội ngũ quản lý cơ sở này”, ông Retailleau nói.

Cũng trong kế hoạch cải cách bộ máy hành chính cấp cao, Tổng thống Pháp dự kiến thay thế trường Hành Chính Quốc gia bằng một cơ sở khác có tên là Viện Dịch vụ công (ISP - Institut de service public). Cơ sở mới này sẽ trao thêm cơ hội đầu vào dành cho các thí sinh thuộc tầng lớp thấp hơn trong xã hội.

Huỳnh Điệp

Nguồn: VOV-Paris




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC