Tổng thống Joe Biden phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4-2 (giờ Mỹ) - Ảnh: Reuters
"Bằng việc dẫn đầu thông qua ngoại giao, chúng tôi cũng phải ứng phó với những đối thủ và đối thủ cạnh tranh theo cách thức ngoại giao, ở những mặt liên quan tới lợi ích của chúng tôi và thúc đẩy an ninh của người Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden
"Đây là thông điệp tôi muốn thế giới lắng nghe hôm nay: Nước Mỹ đã trở lại. Ngoại giao trở lại vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của chúng tôi", ông Biden nói.
Trọng tâm Nga và Trung Quốc
Trong bốn năm cầm quyền, tổng thống Trump bị cáo buộc làm suy yếu vị thế toàn cầu của nước Mỹ thông qua chính sách "Nước Mỹ trên hết" và thể hiện bằng các động tác ngoại giao gây phản ứng không tốt cho đồng minh và đối tác như rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu...
Hôm 4-2, ông Biden khẳng định Mỹ sẽ "quay lại" bằng cách xem trọng hợp tác quốc tế, ví dụ việc tái cam kết trở lại với WHO.
Như vậy, đối với chính quyền ông Biden, Mỹ sẽ "trở lại" bằng đối thoại, ngoại giao và hợp tác. Cách tiếp cận này được nhấn mạnh như sự khác biệt đối với chính quyền ông Trump, và điều này cũng phần nào được phản ánh qua cách ông Biden đề cập tới Nga và Trung Quốc như những đối trọng hàng đầu.
Trong phát biểu ở Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Biden nhắc tới Tổng thống Nga Vladimir Putin và các cáo buộc Washington đang nhắm vào Matxcơva liên quan tới an ninh mạng, can thiệp bầu cử, "đầu độc công dân" (ví dụ lãnh đạo phe đối lập Alexey Navalny).
Tương tự, Tổng thống Mỹ gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất của chúng tôi", đồng thời tuyên bố sẽ "đối đầu với những hành động lạm dụng nền kinh tế" cũng như các hành động hung hăng, tình hình nhân quyền, vấn đề bản quyền...
Tuy nhiên, như đã nói, song song đó ông Biden cũng chừa nhiều dư địa cho hợp tác. Điều này được thể hiện qua tuyên bố Mỹ cần ứng phó với "đối thủ" và "đối thủ cạnh tranh" theo hình thức ngoại giao.
Cụ thể, ông lưu ý Mỹ và Nga đã nhất trí gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) thêm 5 năm. Về Trung Quốc, ông Biden nói Mỹ cũng sẵn sàng "phối hợp với Bắc Kinh khi lợi ích Mỹ đòi hỏi điều đó".
Dấu hỏi phía trước
Về lý thuyết, ông Biden được xem là nhân vật có khả năng hàn gắn mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh. Nhưng những thay đổi trong chính sách của tổng thống Mỹ đồng nghĩa với việc những xáo trộn sẽ xuất hiện trong thời gian tới trong chính sách của các đồng minh Mỹ.
Lấy ví dụ, ông Biden hôm 4-2 thông báo về việc Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc chấm dứt cuộc chiến 5 năm ở Yemen giữa quân đội do Saudi Arabia dẫn đầu với lực lượng Houthi được hiểu do Iran hậu thuẫn.
Ông cũng công bố việc chấm dứt một số hợp đồng mua bán vũ khí "liên quan" của Mỹ cho Saudi Arabia cũng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Quyết định này được tờ báo Guardian (Anh) cho rằng sẽ mang tới áp lực gia tăng cho Anh trong việc ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia.
Anh được cho sẽ rất lưỡng lự về việc có đi theo ý hướng của Mỹ hay không, nếu biết rằng nước này đã cấp phép cho ít nhất 5,4 tỉ bảng Anh giá trị máy bay chiến đấu và tên lửa tính từ lúc chiến dịch không kích bắt đầu vào năm 2015.
Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Sussex, Anna Stavrianakis, nhận xét rằng Anh hiện đối diện nguy cơ ngày càng xa rời với các nước Liên minh châu Âu (EU) và có khả năng là cả với Mỹ, vì vậy Anh sẽ trông "rất cô lập".
Tương tự, hiện nay ông Biden cũng đảo ngược kế hoạch rút 12.000 lính Mỹ khỏi nước Đức. Đây là tín hiệu tốt cho mối quan hệ giữa Washington và Berlin, nhưng cũng để lại một số dấu hỏi cho màn trả lễ của Đức.
Hiện nay Đức là đầu tàu của EU trong việc xúc tiến Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI) giữa EU và Trung Quốc, một thỏa thuận mà chuyên san Foreign Policy nhận xét có khả năng là nguồn cơn cho mâu thuẫn lâu dài giữa Mỹ và châu Âu.
Ngoài ra, sự thay đổi tiềm năng trong chính quyền Đức cũng bị lo ngại sẽ dẫn tới bất đồng giữa Đức và Mỹ trong vấn đề quan hệ với Nga và Syria.
Dành nguồn lực nhiều hơn cho Trung Đông?
Trong thông điệp về chính sách đối ngoại ngày 4-2, ông Biden gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất". Ngôn ngữ ở đây đã được điều chỉnh một chút so với cụm từ "đối thủ chiến lược" mà chính quyền tổng thống Trump đề cập tới Bắc Kinh trước đây.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-2, TS Satoru Nagao (nghiên cứu viên khách mời tại Viện Hudson, Mỹ) nhận định hai cụm từ này không cho thấy sự khác biệt nào trong cách nhìn nhận của Tổng thống Biden và người tiền nhiệm Trump.
Tuy nhiên, ông Nagao cho rằng các phát biểu của ông Biden chứa đựng nhiều khác biệt ở các phần khác.
"Trong nhiệm kỳ ông Trump, Mỹ cố gắng rút khỏi châu Âu, Afghanistan, Trung Đông và chuyển nguồn lực của mình sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nhưng chính quyền ông Biden hủy bỏ việc rút quân khỏi Đức, trì hoãn rút khỏi Afghanistan... quan tâm tới việc hòa giải xung đột Yemen.
Điều này nghĩa là chính quyền ông Biden sẽ dành nhiều nguồn lực hơn ở Trung Đông. Nếu ông Biden chia sẻ quá nhiều nguồn lực cho vấn đề Nga và Trung Đông, liệu Mỹ có thể chia sẻ đủ nguồn lực cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một chiến lược đối trọng với Trung Quốc không? Đó là dấu hỏi từ bài phát biểu của ông Biden", TS Nagao nói.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online