Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói Trung Quốc duy trì hiện diện của dân quân biển và thể hiện mưu đồ "chiếm thêm các khu vực ở Biển Đông".

"Sự hiện diện liên tục của dân quân biển Trung Quốc trong khu vực cho thấy mưu đồ của họ nhằm chiếm thêm những khu vực ở Biển Đông. Họ đã từng làm điều này ở bãi cạn Scarborough, vi phạm chủ quyền Philippines và luật pháp quốc tế", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết trong thông cáo hôm nay.

Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Lorenzana đề cập tới sự hiện diện của nhóm tàu cá Trung Quốc ở bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Quan chức Philippines hôm 3/4 cho biết còn khoảng 44 tàu Trung Quốc còn hoạt động trong khu vực.

42 1 Philippines To Trung Quoc Muon Chiem Them O Bien Dong

Tàu Trung Quốc thả neo tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông ngày 23/3. Ảnh: Reuters.

Đội tàu của Trung Quốc neo đậu gần đảo Sinh Tồn Đông từ hôm 7/3, bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi. Giới chức Philippines cáo buộc nhóm tàu này thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, trong khi phía Bắc Kinh cho rằng đây là các tàu cá lánh nạn vì thời tiết xấu.

Nhiều nước đã bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng ở khu vực và phản đối động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc. Nhà Trắng ngày 31/3 cho biết cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và người đồng cấp Philippines đã thảo luận về hoạt động của hơn 200 tàu cá Trung Quốc ở Biển Đông, cùng bày tỏ quan ngại về sự kiện này và cam kết "tiếp tục phối hợp chặt chẽ ứng phó với các thách thức ở Biển Đông".

Sau nhiều ngày neo đậu, khoảng 210 tàu Trung Quốc đã tỏa đi các đá ngầm và đảo khác trong khu vực vào ngày 31/3.

Ba tuần hiện diện của hơn 200 tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông. Đồ họa: Tạ Lư.

Trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Hằng nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam đang thực hiện nghĩa vụ được quy định trong các luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Nguồn: vnexpress.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC