Được biết, công ty Tokyo Telemessage, nhà cung ứng máy nhắn tin duy nhất còn lại ở Nhật Bản, sẽ chính thức khai tử dịch vụ đã tồn tại suốt 50 năm này.
Hãng cho biết: “Thật đáng tiếc! Các máy nhắn tin từng là vật phẩm hot”.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tới 1.500 khách hàng ủng hộ dịch vụ của Tokyo Telemessage với lý do là thiết bị của họ không phát sóng điện từ, như các điện thoại di động hiện nay.
Máy nhắn tin bị khai tử bởi thời buổi công nghệ số hoá và điện thoại di động.
Theo đó, kể từ 24h đêm 30/9, Tokyo Telemessage sẽ cắt tín hiệu radio đối với các dịch vụ máy nhắn tin của hãng.
Những năm gần đây, máy nhắn tin chủ yếu được những người làm việc trong các bệnh viện ưa thích sử dụngbởi các bệnh viện không khuyến khích sử dụng điện thoại di động do e ngại tác động của sóng điện từ đối với các thiết bị y tế.
Máy nhắn tin ra đời tại Nhật Bản năm 1968, với Tập đoàn Nippon Telegraph and Telephone (NTT) là đơn vị tiên phong cung ứng thiết bị này.
Máy nhắn tin (pager hoặc beeper) là thiết bị viễn thông không dây nhận và hiển thị tin nhắn thoại hoặc chữ và số.
Nó có hai loại là máy nhắn tin một chiều, tức chỉ có thể nhận tin nhắn và máy nhắn tin hai chiều, tức có thể gửi lẫn nhận tin nhắn. Các máy nhắn tin sử dụng máy phát tín hiệu nội bộ để liên lạc với nhau.
Xuất hiện vào đầu những năm 90, máy nhắn tin mở ra một cuộc cách mạng cho các tin nhắn văn bản.
Ở Nhật Bản, máy này còn được biết đến với cái tên “pokeberu” (chuông túi).
Dịch vụ này càng trở nên gây sốt khi các nữ sinh tại Nhật sử dụng chúng như phương cách liên lạc với bạn bè và người yêu. Đặc biệt là khi họ dùng những con số bí mật để mã hóa thông điệp với nhau.
Các thiết bị máy nhắn tin cũng xuất hiện trong các bộ phim, nhưng dần bị thay thế bởi điện thoại di động.
Năm 1996 là thời điểm máy nhắn tin thịnh hành khi có tới hơn 10 triệu người sử dụng. Tuy nhiên, món đồ công nghệ này trở nên lỗi thời khi điện thoại di động ra đời.
Số người sử dụng máy nhắn tin giảm dần do việc gửi thư điện tử, nhắn tin văn bản cũng như việc chụp và gửi ảnh bằng điện thoại trở nên phổ biến.
Tokyo Telemessage từng nộp đơn xin phá sản nhưng được một công ty khác mua và tiếp tục cung cấp dịch vụ nhắn tin.
Nguồn: Người đưa tin