SBI Securities và Monex Group đã chứng kiến số đơn yêu cầu mua các sản phẩm hoạch định tài chính cho tuổi nghỉ hưu tăng đột biến kể từ khi báo cáo được công bố hồi đầu tháng 6. Tài liệu được công bố trên website của Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản đã thổi bùng lên sự giận dữ từ công chúng sau khi viết ra rằng một cặp vợ chồng ngoài 60 tuổi có thể phải cần đến 20 triệu yên (tương đương 186.000 USD) thêm vào số tiền lương hưu mà họ nhận được để có thể trang trải chi phí sinh hoạt.
Không chỉ riêng Nhật Bản, các Chính phủ trên toàn thế giới đang phải đối mặt với câu hỏi hóc búa là làm thế nào để duy trì hệ thống hưu trí khi mà dân số già hóa nhanh chóng và lãi suất thì ngày càng giảm sâu. Nhưng vấn đề của đất nước mặt trời mọc nghiêm trọng hơn, bởi người Nhật có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới và thích tiết kiệm thay vì đầu tư, trong khi lãi suất khi đem gửi tiền vào tài khoản ngân hàng bằng 0, thậm chí là âm. Do đó báo cáo nói trên đã thôi thúc một số người hành động và đem đến “món quà” bất ngờ cho các công ty chứng khoán.
Tomoko Minegishi, 1 giáo viên 47 tuổi, là một trong số những người đang xem xét sản phẩm kế hoạch hưu trí xác định phần đóng góp dành cho khách hàng cá nhân, hay còn được gọi là iDeCo.
“Tôi lo rằng chỉ có lương hưu là không đủ. Và lương của tôi cũng sẽ không tăng được nhiều, do đó tôi muốn tìm cách tiết kiệm tiền thuế” thông qua iDeCo, cô nói.
Tương tự như các tài khoản 401(k) ở Mỹ, người tham gia iDeCo sẽ nộp một khoản tiền cố định hàng tháng để thực hiện các khoản đầu tư dài hạn vào các sản phẩm tài chính như các quỹ mua trái phiếu và cổ phiếu. Những khoản đóng góp này được giảm trừ thuế.
Trong tháng 6 và tháng 7, số đơn xin mở tài khoản iDeCo tại SBI và Monex đã tăng gấp rưỡi so với tháng 5. Tính chung thì số tài khoản mới tăng 8,5% so với 1 năm trước, lên 36.778 người trong tháng 7.
Các công nhân Nhật Bản là những người ít chuẩn bị nhất cho xu hướng tuổi thọ tăng bởi vì họ có xu hướng tiết kiệm tiền thay vì đầu tư, một báo cáo của World Economic Forum cho thấy hồi tháng 6. Các hộ gia đình Nhật Bản có 53% tài sản tài chính ở dưới dạng tiền mặt và tiền gửi, trong khi tỷ lệ ở Mỹ và eurozone lần lượt là 13% và 34%.
Theo Hiroaki Muto, chiến lược gia trưởng tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo, chìa khóa để tăng đầu tư là nâng cao hiểu biết về tài chính. Do chưa được đào tạo đủ về tài chính, người dân Nhật Bản vẫn còn e ngại chuyện đầu tư sau khi chứng kiến những gì xảy ra khi bong bóng tài sản vỡ tung đầu những năm 1990.
“Vẫn tồn tại quan điểm phổ biến rằng tiết kiệm là cách an toàn nhất và đầu tư cổ phiếu giống như đánh bạc”.
Nguồn: cafebiz.vn