Hình ảnh phát ra mùi thối này được ghi nhận trên dòng sông Citarum, một trong những vùng nước ô nhiễm nhất thế giới, thuộc thành phố Bandung, Indonesia vào ngày 15-3-2021. Chính phủ nước này đã cam kết sẽ làm sạch nước sông Citarum và lọc kỹ lưỡng, để dòng sông này trở thành nguồn nước uống vào năm 2025. Song rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp vẫn trôi đầy trên sông - Ảnh: REUTERS
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, hiện nay có khoảng 4 tỉ người bị thiếu nước sạch trầm trọng trong ít nhất 1 tháng mỗi năm. Theo tổ chức này, tình trạng khan hiếm nước đang lan rộng trên toàn cầu, đẩy một nửa dân số thế giới đến trước nguy cơ sinh sống ở những khu vực đối mặt khủng hoảng nước sạch vào năm 2050.
Tiến sĩ Julia Brown - người chuyên nghiên cứu về môi trường và sự phát triển, công tác tại Đại học Portsmouth (Anh) - cho biết nhiều quốc gia có nền nông nghiệp và công nghiệp thâm dụng nước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước uống.
Theo bà Brown, nhiều tổ chức đang bỏ qua việc duy trì khả năng tiếp cận nguồn nước sạch ở một số vùng kém phát triển nhất trên thế giới.
"Các tổ chức phi chính phủ thường tiếp cận những vùng khó khăn, lắp những hệ thống máy bơm tay bóng loáng rồi… quay đi, bỏ lại việc gây quỹ duy trì các hệ thống này cho các cộng đồng", bà nói.
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng luôn có 1/3 số máy bơm tay ở khu vực cận Sahara, châu Phi bị hỏng trong bất kỳ giai đoạn khảo sát nào, theo bà Brown.
Rác thải tràn ngập bờ biển vịnh Guanabara ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 17-3-2021. Lời hứa dọn sạch vịnh Guanabara được đưa ra từ Thế vận hội Olympic 2016 ở Rio de Janeiro. Tuy vậy, theo dữ liệu của Viện Môi trường bang Inea, sau 4 năm, tình trạng ô nhiễm thậm chí còn tệ hơn rất nhiều. Mario Moscatelli, nhà sinh vật học người Brazil, cho biết sự suy thoái môi trường của các vùng nước ở đô thị Rio de Janeiro đang đẩy cả hệ sinh thái địa phương và sức khỏe cộng đồng vào tình trạng đáng báo động - Ảnh: REUTERS
Hình ảnh ôtô di chuyển bên cạnh kênh Interceptor Poniente ở Cuautitlan, thuộc Mexico, ngày 18-3-2021. Hệ thống thoát nước ở Mexico, đơn cử là kênh Interceptor Poniente, đang chịu ô nhiễm nặng nề do nước thải và rác thải từ các hộ dân gần đó. Những gia đình có mức thu nhập thấp rất khó tiếp cận với các dịch vụ nước an toàn. - Ảnh: REUTERS
Chiếc ghế sofa hỏng nằm bên sông Tiete ở thành phố Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, ngày 17-3-2021. Nước sông bốc mùi nồng nặc, hơn 100km sông được coi là đã chết hoặc quá ô nhiễm đối với hầu hết sinh vật - Ảnh: REUTERS
Nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải chưa qua xử lý chảy qua các kênh mở vào đại dương tại Hann Ba, phần rìa phía đông bán đảo Dakar, Senegal. Hệ thống cống rãnh không đầy đủ khiến một lượng lớn chất thải rắn và lỏng chưa qua xử lý chảy vào vịnh quanh năm. “Ở đây chúng tôi sống trong cảnh bệnh tật suốt vì phải sử dụng trực tiếp nguồn nước ô nhiễm này“, một người dân địa phương than vãn. Tháng 9 năm ngoái, Bộ Nước và vệ sinh môi trường Senegal đã khởi động một dự án được hứa hẹn từ lâu để làm sạch vịnh Hann, với tổng chi phí lên đến 168 triệu USD - Ảnh: REUTERS
Màu xanh tuyệt đẹp này lại ẩn chứa sự độc hại và chết chóc. Cây cối đang chết dần trong một hồ nước độc gần thị trấn Yatagan ở phía tây nam tỉnh Mugla, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 24-2-2021. Theo nhà hoạt động môi trường Deniz Gumusel, hồ nước độc hại này còn được gọi là đập tro, được hình thành do sự pha trộn của nước thải và tro từ hoạt động sản xuất của Nhà máy điện Yatagan gần đó. Hồ chứa các kim loại nặng như selen, cadmium, boron, niken, đồng và kẽm đang rò rỉ vào đất và mạch nước ngầm của đồng bằng Yatagan, vùng nông nghiệp nuôi sống cả hai thị trấn Yatagan và Mugla. Đây là một trong 15 đập tro ở Thổ Nhĩ Kỳ mà các tổ chức môi trường đang cố gắng xử lý để ngăn chặn những thiệt hại khủng khiếp hơn trong tương lai - Ảnh: REUTERS
Hình ảnh những chiếc tàu đệm khí di chuyển trên mặt băng của hồ Baikal gần làng Bolshoye Golostnoye ở vùng Irkutsk, Nga, ngày 8-3-2021. Hồ Baikal vốn là một trong những hồ nước ngọt sạch nhất thế giới. Nhưng sự ô nhiễm và phát triển mạnh mẽ của cỏ dại đang gây hại cho vi sinh vật, bọt biển và một số động vật thân mềm, được biết đến như “những chiếc máy lọc nước tự nhiên" đang sinh sống ở đây. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, tình trạng ô nhiễm đã lan rộng từ 7 năm trước, khi Nhà máy giấy và bột giấy Baikal cùng các hệ thống xử lý nước thải của họ ngừng hoạt động. Theo một số chuyên gia, tình trạng ô nhiễm là do lượng chất thải còn tồn đọng, không được xử lý của khu công nghiệp này - Ảnh: REUTERS
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, khoảng 1,6 tỉ người - gần 1/4 dân số thế giới - đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp nước sạch và an toàn. Trong ảnh: một cậu bé người Palestine đang tận hưởng những giọt nước mát quý giá từ một vòi nước công cộng ở Dải Gaza ngày 21-3-2021 - Ảnh: REUTERS
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online