Trung Quốc từng có làn sóng thâu tóm các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Triển vọng kinh tế Mỹ sáng dần
Thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) ghi nhận một phiên giao dịch tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 4, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng tới hơn 900 điểm (tương đương tăng 3,9%) nhờ những thông tin lạc quan về nước Mỹ.
Những thông tin tích cực từ cuộc thử nghiệm của Công ty Công nghệ sinh học Moderna đã rấy lên tâm lý lạc quan về một loại vaccine tiềm năng phòng ngừa Covid-19.
Kết quả các cuộc thử nghiệm ban đầu của Moderna cho thấy "nhiều hứa hẹn". Từ giữa tháng 3, công ty đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với vaccine mang tên mRNA-1273. Kết quả, việc tăng liều lượng dẫn tới việc tăng chất kháng nguyên, tức khả năng tạo ra một phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Vaccine này cũng được xác định là an toàn và có khả năng dung nạp tốt. Moderna dự kiến đưa mRNA-1273 vào thử nghiệm giai đoạn 2 từ tháng Bảy tới.
Đây là thông tin rất tích cực đối với nền kinh tế Mỹ bởi cuộc khủng hoảng kinh tế lần này bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng - đại dịch Covid-19 - và chỉ có thể giải quyết được khi xử lý xong cuộc khủng hoảng dịch tễ.
Trên kênh CBS hôm 18/5, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi ổn định nửa cuối năm nay, nhưng chỉ phục hồi hoàn toàn khi có vaccine. Nhiều chuyên gia trước đó cũng có cùng quan điểm này.
Các chỉ số chứng khoán khác cũng tăng mạnh. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 3,2%, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,4%. Cổ phiếu Moderna vọt 20% sau khi tất cả 45 người tham gia 2 liều thử nghiệm đã phát triển kháng thể virus corona.
Trên Facebook, tổng thống Mỹ Donald Trump hào hứng đánh dấu sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Mỹ. Cổ phiếu MGM Resorts tăng hơn 10%, cổ phiếu hãng vận hành tàu thủy Carnival tăng vọt hơn 15%, các hãng hàng không Delta và United Airlines đều tăng hơn 13%, còn Disney tăng hơn 7%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn cũng tăng từ 5-8%.
Ngành dầu khí Mỹ cũng như thế giới đêm qua cũng đón nhận tin vui. Giá dầu WTI tăng vọt thêm hơn 8% lên gần 32 USD, còn dầu Brent tăng ở mức gần tương tự lên trên 34,8 USD/thùng nhờ những nỗ lực tái cân bằng cung cầu trên thị trường.
Hàng loạt quốc gia, trong đó có đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia hay Nga của ông Vladimir Putin, đã hợp sức hạ sản lượng dầu, trong khi sức cầu trên thế giới tăng trở lại khi các nước tái mở cửa nền kinh tế.
Nhu cầu bị dồn nén, các gói kích thích đã tạo ra sự lạc quan trên thị trường dầu mỏ và giúp ngành dầu khí tại nhiều nước, nhất là Mỹ thoát ra khỏi bờ vực phá sản hàng loạt. Vị thế số một trên thế giới trong lĩnh vực khai thác “vàng đen” của Mỹ được giữ vững.
Căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.
Đối đầu Mỹ - Trung Quốc không hề hạ nhiệt
Những diễn biến trên các thị trường tài chính chứng khoán Mỹ cho thấy kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ là rất lớn, bất chấp hàng loạt số liệu đen tối vừa được công bố.
Dữ liệu kinh tế tháng 4 của Mỹ trên thực tế rất u ám. Doanh số bán lẻ của Mỹ giảm 16,4%, trong khi sản xuất công nghiệp tụt dốc 11,4%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ được dự báo có thể đạt đỉnh là 17,4% trong quý 2, sau đó giảm xuống 8,9% vào cuối năm 2020 và 7,6% vào cuối năm 2021.
Dù vậy, sức mạnh của ông Donald Trump đang trở lại, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh. Bộ máy chính quyền ông Trump đã có những gói hỗ trợ tích cực để vực dậy nền kinh tế.
Bên cạnh đó, người đàn ông quyền lực số 1 trong lĩnh vực tài chính Mỹ - chủ tịch Fed - đang có sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu với tổng thống Mỹ Donald. Nếu như trước đây, ông Trump có nhiều lời chỉ trích về những chính sách thắt chặt tiền tệ của ông Powell thì giờ đây những gì mà ông chủ Fed làm dường như trùng khớp với mong muốn của ông Trump.
Không chỉ hạ lãi suất về sát 0%, Fed đã dồn dập tung ra các gói kích thích kinh tế trị giá nhiều ngàn tỷ USD và gần đây có những cam kết mạnh mẽ về những biện pháp mới. Trong phát biểu đêm qua (giờ Việt Nam), ông Powell cho biết, “có rất nhiều việc chúng tôi có thể làm” để giúp đỡ nền kinh tế; rằng, Fed “không hết đạn” và sẽ không có giới hạn với các chương trình cho vay đang được thực hiện.
Ông Trump dồn dập tấn công Trung Quốc.
Trên thực tế, thị trường còn kỳ vọng vào một khả năng Fed sẽ áp dụng chính sách lãi suất âm từ khoảng tháng 6 để buộc dòng tiền dồn vào phát triển kinh tế. Đây cũng là điều mà ông Trump muốn và đề cập tới nhiều lần.
Trong khi nền kinh tế sáng trở lại, dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu bị đẩy lùi, đối tượng đầu tiên được ông Trump nhắm đến chính là Trung Quốc. Hàng loạt động thái gần đây cho thấy, chính quyền ông Trump sẽ có những đòn đánh mạnh mẽ nhắm tới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Hôm 15/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ sửa đổi một quy định xuất khẩu nhằm hạn chế hoạt động thu mua chất bán dẫn của Huawei.
Trước đó, ông Trump cũng buộc tội Trung Quốc đã giấu dịch và gây ra thảm họa toàn cầu. Tổng thống Mỹ yêu cầu quỹ hưu trí liên bang Mỹ rút 4 tỷ USD ra khỏi chứng khoán Trung Quốc, đồng thời ngừng ngay lập tức các khoản đầu tư vào thị trường này. Chính quyền ông Trump cũng khởi động lại nhóm “Bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc, cùng với một số nước để tái cấu trúc chuỗi cung ứng, rút các dòng vốn ra khỏi Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ - Trung đang bờ vực chiến tranh lạnh trong kỷ nguyên Covid-19. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết hồi đầu tháng 1 đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh ông Trump cho biết, 100 thỏa thuận thương mại cũng không bù đắp được thiệt hại do Covid-19 gây ra. Quan hệ kinh tế quốc tế nhiều khả năng sẽ có những thay đổi rất lớn sau đại dịch. Sự tái cấu trúc nền kinh tế quốc tế, các tổ chức toàn cầu,... sẽ thay đổi mạnh mẽ. Nhiều nước hưởng lợi, nhiều nước sẽ thiệt hại phụ thuộc vào chính sách của mỗi quốc gia.
Nguồn: V. Hà/ Vietnamnet.vn