Tân Hoa xã cho biết các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng hệ thống khoan Sea Bull II sản xuất trong nước để lấy lõi trầm tích dài 231 mét, ở độ sâu 2.060 mét trên Biển Đông.
Theo đó, hệ thống khoan này có thể giúp khám phá các nguồn khí tự nhiên dưới đáy biển, được xem là nguồn năng lượng đầy hứa hẹn.
Hiện không rõ chính xác Trung Quốc khoan ở nơi nào trên Biển Đông.
Trung Quốc từng đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển gần đảo Lý Sơn của Việt Nam vào năm 2014 - Ảnh: CHINA FOTO PRESS
Căng thẳng ở Biển Đông đã leo thang kể từ khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, do tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông hôm 4-4.
Động thái của Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Philippines Duterte lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc các tàu Trung Quốc xuất hiện tại đá Ba Đầu.
Các hoạt động thăm dò dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan thăm dò lớn nhất lúc đó - giàn khoan Hải Dương 981 (Trung Quốc gọi là Haiyang Shiyou 981 hay HYSY 981) - vào vùng biển gần đảo Lý Sơn của Việt Nam vào năm 2014.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online